Phó trưởng BQL đền Đô (Bắc Ninh): Chúng tôi ủng hộ chủ trương không đốt vàng mã
Tại công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ngày 22/02 vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Khu di tích đền Đô là nơi thờ 8 vị vua triều Lý được xây dựng từ thế kỷ thứ 11 và là nơi thu hút du khách thập phương đến lễ bái. Mặc dù lễ hội đền Đô diễn ra từ ngày 14-15 tháng 3 Âm lịch hàng năm, nhưng ngay từ những ngày đầu xuân mới nơi đây đã là địa chỉ thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày.
Theo ông Ngô Anh Tuấn, Phó trưởng ban quản lý Khu di tích đền Đô, vài năm gần đây lượng du khách đến đây tương đối đông. Tuy nhiên, so với mọi năm, năm nay lượng vàng mã do du khách đốt đã giảm đi rất nhiều.
Điều này là do ý thức của du khách ngày một tốt lên nên họ cũng nhận ra sự lãng phí, vô bổ trong đốt vàng mã. Nay có lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc không đốt vàng mã, chắc hẳn ý thức của người đi lễ sẽ càng tốt lên, lượng vàng mã cũng đã giảm đi trông thấy.
Ông Ngô Anh Tuấn, Phó trưởng ban quản lý Khu di tích đền Đô. |
Theo đánh giá của ông Ngô Anh Tuấn, ý thức chung của người đi lễ tại đền Đô là khá tốt, không chỉ thể hiện qua việc hạn chế đốt vàng mã, mà còn thể hiện ở cách hành xử văn minh.
"Đặc biệt, đã không còn hiện tượng cướp giật, móc túi như từng xảy ra những năm trước. Điều này là do BQL Khu di tích phối hợp với lực lượng công an xã Đình Bảng và công an thị xã Từ Sơn bố trí lực lượng bảo vệ cả trong đền và ngoài sân đền suốt thời gian khu di tích mở cửa”, ông Ngô Anh Tuấn nói.
Du khách đến đền Đô chiều mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất. |
Nói về việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi không đốt vàng mã tại các chùa, mặc dù đền Đô không phải là cơ sở thờ tự của Phật giáo, nhưng ông Ngô Anh Tuấn cũng bày tỏ quan điểm đồng tình.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi không đốt vàng mã của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì đó là điều tốt. Tôi nghĩ dư luận cũng ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, nói về tâm linh thì cũng khó mà bỏ được một sớm một chiều, nên tôi nghĩ điều phù hợp hiện nay là nên hạn chế, đừng đốt quá mức gây nên sự lãng phí”.
“BQL không chính thức kêu gọi du khách hạn chế thắp hương, đốt vàng mã, nhưng việc thắp hương chỉ được thực hiện tại một lư hương đặt bên ngoài sân, còn đối với việc đốt vàng mã, phải nói thật là số lượng được sử dụng không nhiều so với các nơi khác, hơn nữa lượng khách về đền Đô là rất đông nên các ban thờ thường không còn chỗ trống để du khách đặt vàng mã lên đó nếu họ muốn. Từ xưa đến nay tập tục đốt vàng mã không nhiều như các nơi khác”.
Theo quan sát của PV báo điện tử Infonet, lò hóa vàng mã tại đền Đô trong chiều 23/2 (mùng 8 tháng Giêng) tuy vẫn đỏ lửa nhưng chỉ lác đác một vài du khách đốt vàng mã tại đây.
Tại đền Đô, chỉ ít du khách đốt vàng mã tại lò |
Đền Đô là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Được khởi công xây dựng từ tháng Ba năm Canh Ngọ 1030 bởi Lý Thái Tông khi vị hoàng đế này về quê làm giỗ cha. Sau này, đền được nhiều lần trung tu và mở rộng. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm thứ hai niên hiệu Hoàng Định của vua Lê Kính Tông (tức năm 1620), khắc văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý. Từ xa xưa, đền Đô luôn được các đời vua liên tục tôn tạo, mở rộng. Vào đời vua Lê Kính Tông, năm Giáp Thìn (1605), đền Đô đã được xây dựng lại ngay trên đất cũ và được khắc văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý.
Đền Đô rộng 31.250 m², với trên 20 hạng mục công trình, chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành. Tất cả đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc tinh xảo. Khu vực nội thành có kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc".