Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đắk Lắk là địa bàn 'chiến lược của chiến lược'
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk |
Ngày 15/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2019 với nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, tổng sản phẩm xã hội 9 tháng ước đạt hơn 36.700 tỷ đồng, tăng 6,94% so với cùng kỳ năm ngoái; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 24.300 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.900 tỷ đồng, đạt hơn 90% dự toán Trung ương giao và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến tháng 9/2019, tỉnh đã giải ngân được gần 270 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 từ đầu năm tới nay ước đạt 1.285 tỷ đồng, đạt 48,3% kế hoạch…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh Đắk Lắk trong 9 tháng đầu năm.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Đắk Lắk phải tập trung các giải pháp để hoàn thành những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nhất là kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược”, phải trở thành thủ phủ của Tây Nguyên dựa trên thế mạnh về sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty lâm nghiệp. Trong đó, tập trung diện tích đất thu hồi, chuyển giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng, ban hành phương án sử dụng đất nông lâm nghiệp đã thu hồi để cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân; giải quyết tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp; tăng độ che phủ rừng...