Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và tâm sự “ngành mình”
Ngày 26/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2014 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tại hội nghị, trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xúc động đọc 4 câu thơ mà ông còn nhớ từ thời kỳ còn làm trong ngành Bưu điện. Bốn câu thơ này là của một người làm trong ngành đã viết trong bài thi về truyền thống ngành Bưu Điện:
Máu anh chảy đến tim tôi
Một người ngã xuống muôn người đứng lên
Cùng nhau giữ trọn lời nguyền
Quyết dùng xương máu nối liền đường dây
Phó Thủ tướng khẳng định: “10 chữ ngành Bưu điện luôn luôn đúng, chúng ta rất tự hào điều đó”. Nhiều lần ông đã nhắc đến 2 chữ “ngành mình” để chỉ những người làm công tác thông tin truyền thông: “Trong năm qua, ngành mình đã đóng góp rất đáng tự hào, có thể có những việc, những người chẳng liên quan đến Bộ, dòng chảy cứ chảy. Nhưng thực ra cũng không hẳn như vậy, để có được phát triển rất mạnh của thông tin, để đem lại quyền tự do của người dân, quyền làm chủ của người dân, đóng góp vào chính sách xã hội, tạo điều kiện rất tốt ở các vùng miền, cải thiện đời sống nhân dân, đóng góp vào xuất khẩu... Cái đó không phải một ngày mà có được”.
Phó Thủ tướng nhắc lại: “Chúng ta nhớ lại mấy chục năm trước, đất nước đứng trước nhu cầu đổi mới, ngành Bưu điện với một lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp, với sự tận tâm để tìm mọi cách, với sự sáng tạo và đặc biệt là vô cùng dũng cảm, đã vượt lên chính mình, trở thành một ngành mở đường cho đổi mới và sau khi mở đường còn thúc đẩy cho đổi mới.
Chúng ta còn nhớ lúc đó chỉ có dầu khí có tiền, sau rồi dần dần mình mở ra... và cho đến bây giờ thế và lực của đất nước được đẩy lên. Nếu nói mấy chục năm trước, chỉ cần 30 năm trước, người ngồi ở Việt Nam nói chuyện với người ở Mỹ chỉ Đức Phật quyền năng vô hạn mới làm được. Không ai trước đây dám mơ tưởng Việt Nam xuất khẩu mấy chục triệu USD”.
Nói đến tình hình hiện nay, Việt Nam trở thành một trong những cơ sở sản xuất thiết bị điện tử, tin học lớn của thế giới, đã có doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài, đã xuất khẩu viễn thông... Phó Thủ tướng chia sẻ: “Giờ những điều này nói ra thấy rất bình thường nhưng tĩnh tâm lại và so sánh với trước đây thì vô cùng lớn lao. Nhất là sau khi Đảng và Nhà nước kết hợp để tổ chức Bộ TT&TT, đưa báo chí xuất bản và kỹ thuật về cùng một Bộ, vừa là kinh tế kỹ thuật có tính chất đột phá. Qua một số năm bỡ ngỡ, chúng ta đã dần đã thấy, đấy là nền tảng tạo sức mạnh để sao cho một số năm tới để chúng ta giữ vai trò đột phá, vai trò mở đường, tạo động lực cho giai đoạn đổi mới mạnh mẽ hơn của đất nước”.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, xu thế toàn cầu cùng lệ thuộc lẫn nhau và hình thành những nhóm đối tác rất quyết liệt. Trong cuộc cạnh tranh này nếu ta không tự vươn lên được sẽ trượt ngày càng xa. “Nếu chúng ta nghe các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, điều hành của Chính phủ thì chúng ta đã thấy rõ một điều chúng ta đã đổi mới gần 30 năm, đất nước vượt qua được cái chậm của nước kém phát triển, bắt đầu đến đang phát triển nhưng thấy rõ rằng chúng cần phải tạo ra những động lực mới thì mới vươn lên được trong cuộc ganh đua khốc liệt này” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nhận định: "Cho dù gần đây, chúng ta không thấy sự bứt tốc như trước đây, giống như thuê bao di động trước đây có đợt tăng rất nhanh, bây giờ cần tạo động lực, không có gì hơn phải xem còn những gì còn tiềm lực trong nhân dân để phát huy lên. Nói từ tấm lòng, ngành TT&TT có vai trò rất quyết định”.
Thực tế, trước đây, ngành thông tin truyền thông chuyển số hóa khi chúng ta dũng cảm chuyển từ analog sang số, sau đó là Internet gắn với cạnh tranh có thể nói là vật lộn giữa các quan điểm, sau đó hội tụ, bây giờ là gì?
Phó Thủ tướng chỉ ra một xu hướng đang manh nha: Xu hướng thông tin hướng về cá nhân, kể cả về thiết bị lẫn nội dung, ngoài hệ thống báo điện tử, trang điện tử, mạng xã hội, blog, thấy rõ thông tin cũng được cá nhân hóa, và làm sao để thông tin của từng cá nhân hợp thành sức mạnh theo định hướng để phát huy tất cả sức mạnh của tất cả chúng ta. Đấy là thách thức vô cùng lớn của Đảng, Nhà nước và đặc biệt của ngành thông tin.
Theo Phó Thủ tướng, thiết bị công nghệ cũng dần hướng đến cá nhân. Bây giờ không giống như xưa nói viễn thông vùng, bây giờ là điện toán đám mây và các thiết bị iPad, hay thiết bị được Việt Nam sản xuất với giá rẻ. Từ đó, ông yêu cầu: “Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khó khăn nhưng ngành Bưu điện trước đây và ngành TT&TT là ngành đứng trước cơ hội và nhiệm vụ. Để làm được điều này các đồng chí trong Bộ đã bàn, Hiệp hội, đặc biệt doanh nghiệp đã bàn rất nhiều.
Chúng ta bây giờ làm sao cùng với sự lãnh đạo của Bộ trưởng, của Ban Cán sự Đảng, kết hợp với các nhà khai thác, đặc biệt chân rết các Sở, ngành ở các địa phương cùng tham gia với các cấp chính quyền dùng công tạo một sức bật mới. Tôi với tư cách là người cán bộ Bưu điện cũ rất mong điều này”.
Nói về tái cơ cấu trong ngành TT&TT, Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Chúng ta sắp xếp để tăng cường sức mạnh, tái cơ cấu VNPT không chỉ cho Bộ, VNPT mà cho cả ngành này, để bản thân VNPT cũng có động lực”.
Sau cùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành và truyền thống 10 chữ của ngành Bưu điện trước đây hay ngành TT&TT hiện nay: “Đất nước đòi hỏi chúng ta có những đột phá rất mạnh mẽ. Cần phải phát huy tinh thần 10 chữ truyền thống của ngành: Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình. Ngành mình với truyền thống đấy tiếp tục phát triển. Tôi rất tin tưởng với sự lãnh đạo của ban cán sự Đảng Bộ, với sự cộng tác của các doanh nghiệp, hiệp hội, các sở ngành, ngành TT&TT nhất định vươn lên bước phát triển mới và hoàn thành trọng trách của mình”.