Phó Thủ tướng: Tự chủ tài chính không phải là cắt hết ngân sách!
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Ngành giáo dục đã có những nỗ lực
Đầu giờ chiều nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp tục đăng đàn trả lời các nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn. Cụ thể, các đại biểu tập trung chất vấn vào các nội dung như: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tổ chức thi cử; phân luồng cho học sinh phổ thông; định hướng nghề nghiệp; chất lượng đào tạo; đề án ngoại ngữ quốc gia; dạy thêm học thêm; đào tạo nguồn nhân lực cho học sinh dân tộc thiểu số... và một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng như bạo lực học đường, quản lý văn bằng, sai sót bất cập trong chương trình sách giáo khoa, đề án mô hình trường học mới...
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ hơn một số vấn đề. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì giáo dục là lĩnh vực được toàn dân quan tâm, những vấn đề đại biểu chất vấn cũng chung với vấn đề được nghe từ nhân dân qua nhiều kênh thông tin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù không có một báo cáo nào có tính định tính chính xác nhưng các tổ chức quốc tế có nhận xét và đa phần xếp giáo dục Việt Nam vào hạng từ 60 – 70, tức là so với trình độ kinh tế xã hội chung thì chúng ta hơn các nước có trình độ tương đương. Trong đó, giáo dục phổ thông xếp vào khoảng dưới 50, nhưng giáo dục đại học và cao đẳng thì kém hơn, ở vào khoảng thứ 70 – 75, cá biệt có chỉ tiêu 80.
“Chúng ta còn rất nhiều điều không hài lòng về giáo dục nhưng chúng ta cũng phải đánh giá những nỗ lực của ngành giáo dục, không chỉ trong một vài năm qua mà trong suốt cả một quá trình. Bởi giáo dục bao giờ cũng là một quá trình, đổi mới cũng là một quá trình và nhiều khi, những việc cố gắng ngày hôm nay thì đến 10 năm sau mới có kết quả” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tập trung giáo dục phổ thông và chất lượng giáo dục đại học
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giáo dục Việt Nam có 2 vấn đề cần tập trung là giáo dục phổ thông và chất lượng giáo dục đại học.
Theo đó, đối với giáo dục phổ thông cần đặc biệt lưu ý giáo dục đối với dân tộc thiểu số. Đây là nhiệm vụ chúng ta đã cố gắng trong thời gian qua nhưng thời gian tới sẽ phải có những chương trình chính sách cụ thể hơn để giáo dục với đồng bào dân tộc thiểu số được tốt hơn.
Về chất lượng giáo dục đại học mà nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa được nâng cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Có nhiều nguyên nhân nhưng kiểm định chất lượng trong quá trình học và kiểm định chất lượng đầu ra chưa tốt. Tới đây, sẽ khuyến khích các trường tự kiểm định, có các trung tâm kiểm định để làm tốt hơn.
Chính phủ và Bộ GD&ĐT cũng cố gắng chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ đại học, tự chủ về chuyên môn, tài chính, tổ chức nhân sự. Tuy nhiên, tự chủ về tài chính không có nghĩa là Nhà nước sẽ cắt toàn bộ ngân sách, Nhà nước không đầu tư cho các trường tự chủ. Vì thực tế, tự chủ là xu hướng, yêu cầu của các trường đại học lớn trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, trường tự chủ nhưng vẫn nhận được 80% thậm chí là 90% kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Vấn đề tự chủ thực chất là bớt can thiệp hành chính không cần thiết vào công việc của nhà trường trong môi trường giáo dục. Kết quả bước đầu của các trường thực hiện tự chủ thời gian qua của chúng ta là tương đối tốt”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ với những ý kiến của nhiều đại biểu và nhân dân liên quan đến vụ việc giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị chính quyền địa phương điều đi làm lễ tân, tiếp khách trong các dịp lễ lớn, làm nóng dư luận thời gian qua. Phó Thủ tướng cho rằng “đây là việc rất không tốt”.
“Không chỉ với giáo viên mà với tất cả các cán bộ, nhân viên, nếu chúng ta không có thái độ kiên quyết thì sẽ có những sự việc manh nha khác. Ví dụ, nếu chúng ta để ý thì có một vài cơ sở đến các ngày lễ đã yêu cầu cán bộ nhân viên nữ đứng ra làm tiếp tân, tiếp khách một cách không cần thiết”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận.