Phó Cục trưởng Cục CSGT: Cấm lưu thông xe máy điện không đăng ký
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn (Ảnh: Xuân Hải) |
Chiều 28/5, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí trao đổi một số vấn đề liên quan đến đăng ký xe theo Thông tư 15/2014 của Bộ Công an về đăng ký xe, trong đó có đăng ký xe máy điện.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết, theo quy định của Luật giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013 thì xe đạp điện là xe thô sơ nên không thuộc đối tượng phải đăng ký, cấp biển số. Việc đăng ký không áp dụg với xe đạp điện.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Đối với xe máy điện, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực từ 1/7/2009 và Thông tư 06/2009 của Bộ Công an thì việc đăng ký và cấp biển số được thực hiện từ ngày 1/7/2009 chứ không phải đến nay mới thực hiện. Trước đây do số lượng xe máy điện ít còn bây giờ số lượng đã tăng nhiều nên cần thiết phải siết chặt quản lý theo quy định. Thông tư 15/2014 cũng quy định khi đi đăng ký xe máy điện người dân phải có các loại giấy tờ sau: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu); Giấy tờ chủ xe; Chứng từ nguồn gốc của xe; Hóa đơn bán xe; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ.
Lệ phí đăng ký đối với xe máy điện được áp dụng giống như mức thu của xe mô tô, xe gắn máy. Việc đăng ký cấp biển số đối với cá nhân được thực hiện tại công an quận, huyện, thị xã; đối với tổ chức, cá nhân là người nước ngoài thì nơi đăng ký cấp biển số xe máy điện thuộc phòng CSGT tỉnh, thành phố.
Đại tá Tuấn cũng đề nghị người dân, khi mua xe máy điện thì người mua yêu cầu người bán xe cung cấp đầy đủ các loại chứng từ liên quan như phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (nếu là xe sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (nếu là xe nhập khẩu), hóa đơn bán xe theo quy định của Bộ Tài chính.
“Nếu cửa hàng bán xe nói không thể có hóa đơn cho người mua với lý do, hóa đơn đầu vào của cửa hàng tính cho lô xe gồm nhiều chiếc là trái quy định nhà nước và có thể là xe nhập lậu”, ông Tuấn nói.
Về phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện, Trung tá Nguyễn Quốc Thắng, Phó trưởng phòng đăng ký xe (phòng 4,) C67 cho biết, theo Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định, xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h; Còn xe đạp điện có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h, công suất động cơ không lớn hơn 250W.
Trung tá Thắng cho biết, dù quy định việc đăng ký cấp biển số xe máy điện có hiệu lực từ năm 1/7/2009 nhưng người dân thực hiện rất ít, báo cáo của một số địa phương năm 2013 cho thấy chỉ có hơn 20 chiếc xe máy điện được người dân đến đăng ký, cấp biển.
Hiện xe máy điện không đăng ký đang lưu thông rất nhiều ở các địa phương nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM gây bức xúc về trật tự an toàn giao thông. Việc xe máy đăng ký hạn chế, ngoài trách nhiệm của Bộ Công an còn có trách nhiệm các bộ ngành liên quan trong việc cho nhập khẩu hoặc thả nổi lưu thông các loại máy điện, vốn là hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Theo đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn về nguyên tắc xe máy điện nếu không đăng ký biển số thì không được tham gia lưu thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt ở mức từ 300 - 400 nghìn đồng, chưa kể các hành vi khác như vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, trong thời gian qua nhiều địa phương đã tiến hành xử phạt các vi phạm này, số vụ tai nạn giao thông do xe máy điện gây ra chiếm tỷ lệ rất ít.
Trả lời báo Infonet về việc hiện có nhiều người dân sử dụng các loại xe máy điện nhưng không rõ nguồn gốc hoặc qua thời gian dài, các hóa đơn chứng từ bị thất lạc thì có được đăng ký hay không? Nếu việc hóa đơn chứng từ bị thất lạc và phải xin xác nhận của chính quyền địa phương liệu có quản lý được việc hợp thức hóa xe máy điện nhập lậu? Ông Nguyễn Quốc Thắng khẳng định: “Bộ Công an không thể hợp thức hóa một chiếc xe mà không rõ nguồn gốc, tuy nhiên Bộ Công an sẽ căn cứ báo cáo các địa phương và trao đổi với các bộ ngành liên quan như Tài chính, Hải quan để để xuất Chính phủ xem xét truy thu thuế hoặc có một biện pháp khác”.
“Nếu xe máy điện không đầy đủ giấy tờ theo quy định sẽ không được đăng ký cấp biển số, việc xử lý xe máy điện vi phạm cũng giống như đối với mô tô, xe gắn máy, mọi người tham gia giao thông vi phạm luật đều bị xử lý, xe đạp điện cũng vậy”, Đại tá Tuấn nói.
Theo Thông tư 15/2014 quy định, kể từ ngày 1/6/2014, người bán, tặng xe phải khai báo bằng văn bản theo mẫu đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Nếu không thực hiện việc này mà chiếc xe được chuyển nhượng hoặc cho tặng gây tai nạn hoặc phạm tội thì chủ cũ phải liên đới chịu trách nhiệm.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, các cá nhân mua, được điều chuyển, cho tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Nếu không sẽ bị xử phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 2 triệu đồng tùy theo loại xe của cá nhân và tổ chức.