Phó chủ tịch TP.HCM: “Hoàn toàn không có chuyện dọn lòng lề đường để thu phí”
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa. |
Người dân đang nghĩ TP dẹp vỉa hè là để cho thuê
Trước đó đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đã chất vấn lãnh đạo TP về vấn đề này. Theo bà, việc Sở Giao thông vận tải vừa trình dự thảo đề án thu phí lòng đường vỉa hè đã khiến người dân hiểu nhầm rằng chiến dịch triển khai rầm rộ vừa qua là để TP cho thuê lại.
Bà đề nghị TP giải thích rõ để người dân hiểu, đồng thời công khai, minh bạch mức thu phí.
Đáp lại câu hỏi này, ông Lê Văn Khoa khẳng định: “TP hoàn toàn không dọn lòng lề đường để thu phí”.
Theo ông việc thu phí đã có từ trước, và đứng trên bình diện chung thì ai sử dụng lòng, lề đường vào mục đích sinh lợi phải có nghĩa vụ nộp lại để cơ quan chức năng tổ chức lại trật tự, cơ sở vật chất ở chính nơi đó.
Ông Khoa thừa nhận, hiện TP vẫn duy trì một vài bãi giữ xe ở lòng lề đường để đáp ứng nhu cầu thực tế, tuy nhiên nhấn mạnh rằng thu phí không phải là mục tiêu.
“Cả Thành ủy và UBND đều xác định thu phí không phải là mục tiêu. Vì vậy khi Sở Giao thông vận tải trình lại một bảng phí, Chủ tịch TP đã yêu cầu tạm dừng, chưa bàn đến vì hiện đang lập lại trật tự” – ông Khoa cho hay và nhấn mạnh rằng: “Thu phí không phải chuyện lớn”.
“Cái gì tạo điều kiện cho dân làm ăn thì không thu phí, còn cái nào dùng để sinh lợi như giữ xe thì phải tính toán khác” – ông Khoa nêu quan điểm.
Công viên Bách Tùng Diệp - nơi dự kiến sẽ là "phố hàng rong" của quận 1. |
Nhanh chóng lập “phố hàng rong”
Tiếp tục đề cập đến việc lập lại trật tự đô thị, đại biểu Trâm đặt câu hỏi về các dự án xây dựng “phố hàng rong” cho những người vốn buôn bán trên vỉa hè.
Theo bà, dù TP khẳng định việc này phải làm song song để đảm bảo sinh kế cho người dân nhưng đến nay có rất ít nơi quy hoạch. Thực tế hiện chỉ có quận Tân Bình lập được 1 vị trí, còn lại “mới chỉ trên giấy”.
“Cử tri muốn biết bao giờ làm được, tắc ở đâu vì đây là giải pháp giúp lập lại trật tự vỉa hè bền vững” – đại biểu Trâm cho hay.
Bà cũng nhận định rằng vỉa hè còn là văn hóa nên phải có quy hoạch bài bản sao cho phù hợp, phải thực hiện nghiêm túc thông qua những quy định có tính pháp lý, đồng thời cần có thời gian, không thể nóng vội.
Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này, nhưng ông Lê Văn Khoa cho biết mình đã yêu cầu quận 1 nghiên cứu tổ chức cho người dân bán hàng rong trên một tuyến đường phù hợp, trong khoảng từ 6-7h.
“Hết giờ đó dứt khoát dẹp trở lại cho thông thoáng” – ông nói và chia sẻ rằng với những người bán rong: “Dẹp thì dễ nhưng dẹp rồi sau đó cuộc sống của họ đi về đâu”.
Ông chia sẻ dù ý tưởng này mới chỉ dừng lại ở mức trao đổi riêng với quận 1 chứ chưa phải một chủ trương của TP, nhưng nếu thực hiện thành công sẽ nhân rộng ra.
Lãnh đạo TP.HCM xác định việc lập lại trật tự đô thị phải làm trong thời gian dài. |
Khen ngợi hai nữ chủ tịch phường dẹp vỉa hè
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Diệp Hồng Di nêu thực trạng rằng, hiện nay lực lượng cộng tác viên trật tự đô thị đang chịu thiệt thòi vì không có chế độ khi thực thi công việc, dù đối mặt nhiều nguy hiểm.
“Họ không được đóng bảo hiểm xã hội, vì theo quy định mức tiền lương để đóng không được thấp hơn mức tối thiểu vùng, mà hiện nay mức lương của lực lượng này chỉ 2 triệu đồng/tháng” – bà Di nói.
Vì lý do trên mà nhân viên trong lực lượng này thường xuyên nghỉ việc, khiến mỗi lần tuyển TP phải tập huấn lại.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Di, ông Khoa thông tin rằng hiện UBND TP nhất trí sẽ trình đề án để nâng mức phụ cấp cho lực lượng này.
“Dù chưa thể đảm bảo cuộc sống nhưng có thể động viên anh em tiếp tục làm việc” – ông Khoa cho hay.
Nói chung về công cuộc lập lại trật tự, Phó chủ tịch TP nhận định rằng: “Chỉ có thể thành nếu người dân đồng thuận, vì không có một lực lượng chức năng nào làm nổi”.
Ông cũng đánh giá cao 2 nữ chủ tịch của phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân) và phường Đa Kao (quận 1) vì đã dám cam kết nếu không làm được sẽ rời nhiệm vụ, trong khi thực tế cho thấy tình hình ở hai phường này chuyển biến rất tốt.