Phó Chủ tịch Quốc hội: "Cần chỉ rõ địa chỉ lãng phí, tránh nêu chung chung"
Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước (nhất là mua sắm xe ô tô công): chỉ thực hiện mua sắm đối với xe ô tô chuyên dùng trong định mức được duyệt; không thực hiện mua xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung (trừ mua xe cho đơn vị mới thành lập và do các nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác); tổ chức thực hiện thí điểm việc mua sắm hàng hóa được tập trung ở 3 đầu mối gồm: mua sắm tập trung tại Bộ Tài chính; mua sắm tập trung tại Bộ Y tế và mua sắm tập trung tại các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đây là một trong những bước tiến quan trọng trong công tác mua sắm tài sản nhà nước, góp phần thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng NSNN.
Ông Dũng cho biết, tổng hợp kết quả báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, năm 2015 đã thực hiện mua mới: 611 xe ô tô với tổng nguyên giá 603 tỷ đồng (khối Trung ương mua sắm 69 xe; khối địa phương mua sắm 542 xe), số lượng xe ô tô mua mới chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập chưa có xe ô tô và thay thế số xe ô tô chuyên dùng đã hết thời hạn sử dụng.
Đề cập đến việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, năm 2015 cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 154.679 cơ sở nhà đất (tăng 1.400 cơ sở so với năm 2014) với tổng diện tích đất khoảng 3.006 triệu m2 và diện tích nhà 139,4 triệu m2.
Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 123.413 cơ sở với tổng diện tích đất 1.965,7 triệu m2 đất; tổng diện tích nhà 115 triệu m2.
”Thông qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã giúp cho cơ quan quản lý nắm được một cách có hệ thống về số lượng, giá trị và hiện trạng sử dụng để có phương án sắp xếp, xử lý phù hợp, góp phần quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và huy động được nguồn vốn lớn từ nhà, đất cho đầu tư phát triển; tạo nguồn thu NSNN và tiết kiệm chi tiêu công”, Bộ trưởnh Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Trình bày báo cáo thẩm tra tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản nhà nước có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực; từng bước khắc phục những yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công...
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng khích lệ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém như việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Theo đánh giá, công tác quản lý thu NSNN còn hạn chế, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước.
Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi NSNN. Chất lượng và hiệu quả thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao; tính bền vững của nhiều chương trình còn hạn chế. Chỉ tiêu đạt được của một số chương trình còn thấp so với kế hoạch, hiệu quả đầu tư chưa cao, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu tập trung, giải ngân chậm vẫn chưa triệt để.
Theo đánh giá, lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục.
Cụ thể, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối vốn hoặc chưa thực sự cần thiết và cấp bách; bố trí vốn dàn trải, manh mún, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí thời gian, vốn đầu tư; nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.
Một số công trình đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn thấp hoặc không thể đưa vào sử dụng. Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí NSNN.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách, qua dư luận và ý kiến của cử tri, vẫn còn có một số dự án sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả kém như: đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, an toàn lao động trong thi công không được nhà thầu bảo đảm dẫn đến nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian qua; Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...
Phát biểu ý kiến về về Báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách và đề nghị báo cáo rõ những tổ chức, cá nhân làm tốt, làm sai để khen thưởng.
Theo bà Nga, vừa qua dư luận có nêu một số trường hợp, mặc dù chưa có khẳng định rõ ràng những đơn vị đó lãng phí bao nhiêu nhưng cần có báo cáo cụ thể. Chẳng hạn như Nhà máy tơ sợi Đình Vũ; Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên; Nhà máy Đạm Ninh Bình...
"Nếu được thì Quốc hội yêu cầu báo cáo cụ thể về mấy dự án này, trách nhiệm của người đầu tư, người đứng đầu. Trong việc đề bạt cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại các đơn vị trên hiện đã luân chuyển công tác đi đâu, làm gì khi để xảy ra dấu hiệu lãng phí nhiều tại các dự án trên", bà Nga kiến nghị.
Góp ý vào báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm gây lãng phí mà dư luận xã hội quan tâm. Cần làm rõ hơn thực trạng, phân tích rõ hơn về nguyên nhân tại sao dẫn đến lãng phí như vậy và giải pháp thế nào.
Theo ông Uông Chu Lưu, có những vấn đề về lãng phí báo cáo cần chỉ rõ ra địa chỉ, tránh việc chỉ nêu chung chung là một số địa phương, một số nơi, dẫn đến chưa thấy rõ được trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc lãng phí trong việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần làm rõ hơn.
"Bởi vì trong khi tiến hành cổ phần hóa chúng ta đưa ra những điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc để xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp. Ví dụ, cổ phần Xưởng phim truyện Việt Nam là một câu chuyện rất lớn, dư luận rất quan tâm. Khi cổ phần hóa việc xác định giá trị của xưởng phim đó thế nào, đất thế nào, nhà cửa thế nào, thương hiệu thế nào, chưa nói đến cơ chế đấu giá. Những việc như này báo cáo cần tập trung vào để có những kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.