Phó Chủ tịch QH: Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá để dân ta sợ
Theo PCT QH Huỳnh Ngọc Sơn: Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam thì phải bồi thường cho ngư dân |
Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 27/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đưa ra nhận định về hành động tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Mới đây tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
Hành động đâm chìm tàu cá của Việt Nam có thể được coi là hành vi khủng bố. Đây là hành vi đáng lên án và phía Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Ông có cho rằng, hành động trên từ phía Trung Quốc là hành động leo thang trên Biển Đông? Hành động này xuất phát từ động cơ gì, thưa ông?
Rõ ràng là Trung Quốc muốn mở rộng bảo vệ giàn khoan. Thấy mình ép sát bằng tàu cá, họ muốn làm cho căng thẳng.
Đầu tiên va chạm diễn ra chỉ có mức độ, nhưng sau đó họ làm căng để dân sợ. Nhưng chắc chắn ngư dân Việt Nam không sợ đâu. 10 người bị chìm sau vụ đâm như vậy, nhưng không chết ai, rõ ràng chúng ta đã lường trước cả rồi.
Phía Việt Nam sẽ làm gì trước hành động đâm chìm tàu từ phía Trung Quốc?
Sau khi bị đâm chìm tàu, phía Việt Nam đã có tiếng nói đấu tranh ngoại giao để phản đối để không tái diễn tình trạng này.
Trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, tại kỳ họp này nhiều ĐBQH đề xuất phương án chi hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân, trong đó có khoản tiền 35 ngàn tỉ đồng tiết kiệm của Bộ GTVT. Quốc hội xem xét vấn đề này thế nào thưa ông?
Quốc hội đã có chủ trương thì phải có những khoản tiền lớn. Số tiền 35 ngàn tỉ đồng không đủ đáp ứng trong tình hình hiện nay.
Tôi cũng ủng hội phương án này, nhưng chúng ta vẫn phải chờ ý kiến các ĐBQH thảo luận tại hội trường. Từ đó Chính phủ mới có thể xem xét đề nghị, xem xét nên huy động nguồn tiền từ đâu, chi vào đâu. Tất nhiên đây là vấn đề kinh tế, nên ít nhiều cũng gây khó khăn cho Chính phủ. Mong muốn thì nhiều lắm nhưng nguồn lực có hạn nên chúng ta phải tính toán.
Với ngư dân hiện này không chỉ cho tàu sắt, phương tiện đánh bắt không, mà còn phải đảm bảo tính mạng cho cả hệ thống thông tin, tổ chức tổ đội, bộ phận hỗ trợ…
Cùng một lúc chúng ta chưa thể đáp ứng cho ngư dân tàu sắt hết được. Bên cạnh đó nếu có tàu mà không tổ chức tốt thì vẫn nguy hiểm. Do vậy lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển vẫn phải có kế hoạch bảo vệ chặt chẽ.
Nếu Quốc hội quyết định hỗ trợ cho ngư dân theo kế hoạch thì lộ trình thực hiện cụ thể ra sao, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?
Về chủ trương đánh bắt xa bờ thì chúng ta đã có từ lâu. Kể cả khuyến khích cho vay đóng tàu lớn cũng đã thực hiện. Như chúng ta thấy TP Đà Nẵng đã đóng tàu lớn rồi, nhưng so với tàu Trung Quốc ngoài thực địa thì vẫn còn là nhỏ.
Tuy nhiên, để bảo vệ Tổ quốc thì không chỉ có mỗi tàu sắt mà còn có nhiều vấn đề khác tại biên giới và ở nội địa.
Xin cảm ơn ông!