Phí đường bộ: Bộ GTVT "múa gậy trong bị"?
Cụ thể, đối với các Trạm thu phí đã bán quyền: Phù Đổng, Bãi Cháy, Bộ GTVT đề nghị mua lại quyền thu phí đối với thời gian thu phí còn lại và dừng thu từ 1/3/2013; kinh phí mua lại được trích từ ngân sách nhà nước.
Đối với Trạm thu phí Hoàng Mai, Bộ GTVT đề nghị cho tiếp tục thu với lý do Bộ GTVT đang có chủ trương giao cho nhà đầu tư BOT là Liên doanh giữa Cienco 4 và Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng QL1A đoạn Km368 +400 đến Km402+320.
Hai trạm thu phí trên QL5, Bộ GTVT đề nghị vẫn sẽ tiếp tục thu để hoàn vốn cho dự án BOT đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.
Trạm Phả Lại tiếp tục thu để hoàn vốn cho dự án BOT cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí- Hạ Long nhưng phải di chuyển đến vị trí Km97 trên QL18 khi Trạm Bãi Cháy dừng thu.
Đối với Trạm thu phí đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh- Trung Lương sẽ tiếp tục thu để trả nợ nhà thầu thi công và hoàn trả ngân sách nhà nước đã đầu tư…
Mới đây nhất, trước kiến nghị của Tp.Hà Nội, Bộ GTVT đã đề xuất di chuyển trạm thu phí Thăng Long – Nội Bài về Quốc lộ 2, nơi đã có 2 trạm thu phí cho dự án BOT cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2; theo đó chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 2 thu một chiều, chủ đầu tư dự án BOT đường tránh qua TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thu một chiều, giá vé tăng lên gấp 2 lần.
Nhìn lại phương thức xử lý một số trạm thu phí thời gian qua có thể thấy sự lúng túng và thậm chí 'chưa minh bạch' của Bộ GTVT. Ví dụ, với trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, theo hợp đồng chuyển giao quyền thu phí, việc thu phí đường bộ tại trạm thu phí này sẽ kết thúc từ ngày 01/7/2012, nhưng với các lý do: Dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã thông xe và tiến hành khai thác làm chia sẻ lưu lượng qua trạm Nam cầu Giẽ, Nhà nước tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và trận lụt lịch sử năm 2008 làm ảnh hưởng đến doanh thu của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã “gia hạn” thêm 10 tháng nữa.
![]() |
Hợp đồng chuyển giao quyền thu phí hết hiệu lực từ ngày 01/7/2012 nhưng người tham gia giao thông phải "gánh" thêm phí đường bộ 10 tháng nữa khi qua trạm thu phí Nam Cầu Giẽ |
Hay như trạm thu phí Thăng Long - Nội Bài, năm 1997 trạm thu phí này được thiết lập để lấy kinh phí bảo trì cầu Thăng Long. Năm 2009, Bộ GTVT chuyển giao cho Vietracimex 8 thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh qua TP.Vĩnh Yên với thời hạn hơn 16 năm. Đến nay, Bộ GTVT lại đề xuất phương án "xóa sổ" trạm Thăng Long, chuyển quyền thu phí của Vietracimex 8 lên Quốc lộ 2, thu một chiều với mức phí tăng gấp 2 lần hiện nay.
Đề xuất phương án như vậy, nhưng trên thực tế việc xử lý, sắp xếp các trạm thu phí của Bộ GTVT vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ”. Các trạm thu phí Phù Đổng, Bãi Cháy vẫn tiếp tục thu phí đến ngày hôm nay. Phương án di chuyển trạm thu phí Thăng Long – Nội Bài vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía chủ đầu tư…
Là cơ quan hoạch định các chính sách phát triển giao thông, giúp Chính phủ quản lý hoạt động giao thông vận tải trên cả nước nhưng với những đề xuất vừa qua trong lĩnh vực thu phí đường bộ, dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ GTVT đang “múa gậy trong bị”? Đến bao giờ người tham gia giao thông mới được hưởng sự minh bạch từ phí đường bộ?