Phát triển truyền hình kỹ thuật số: Lo ngại độc quyền truyền dẫn
Phát triển truyền hình kỹ thuật số: Lo ngại độc quyền truyền dẫn
Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 của Bộ TT&TT, thì sẽ có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên phạm vi vùng, các đài truyền hình địa phương chỉ làm nhiệm vụ sản xuất chương trình truyền hình.
Nhiều đài địa phương vẫn có khả năng làm truyền dẫn kỹ thuật số. |
Tại hội thảo chuyên đề “Truyền hình kỹ thuật số: Thời cơ và thách thức với các đài địa phương” diễn ra chiều 23/5 tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, các “ứng cử viên” sáng giá nhất sẽ được giao nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng trong tương lai là: VTC, AVG, Viettel…
Theo ông Huỳnh Văn Nam, Nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, việc truyền dẫn trong tương lai sẽ dành cho các doanh nghiệp nhưng có một số doanh nghiệp vừa làm truyền thông vừa làm truyền dẫn, sẽ tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực truyền hình.
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Ban quản lý kỹ thuật đài truyền hình TP.HCM cho biết, Đài Truyền hình TP.HCM sẵn sàng đầu tư mạnh để xây dựng mạng truyền dẫn, phát sóng số khu vực, phục vụ phát sóng không chỉ cho các kênh truyền hình của HTV mà còn cho cả các đài truyền hình khu vực phía Nam.
Nhìn về hướng phát triển truyền hình kỹ thuật số trong thời gian tới, ông Lê Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật sản xuất chương trình, Đài Truyền hình Đồng Nai lo lắng, đài truyền hình tỉnh không được đầu tư cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng nên chắc chắn sẽ phải tốn khá nhiều chi phí cho việc thuê đường truyền dẫn phát sóng của các đài lớn như: VTV, VTC, AVG, các công ty truyền hình cáp hoặc các đơn vị: VTN, FPT, Viettel…
Theo ông Đỗ Tiến Thăng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn TT&TT, thuộc Viện Chiến lược TT&TT, việc độc quyền truyền dẫn chắc chắn sẽ tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa đơn vị vừa truyền dẫn, vừa làm chương trình với các đài địa phương. Ở nhiều nước trên thế giới thường quy định, đơn vị truyền dẫn thì không được sản xuất chương trình truyền hình.
Theo đề án, khi phát sóng kỹ thuật số, các đài địa phương sẽ bị hạn chế về doanh thu quảng cáo, mất phí thuê bao. “Nguồn sống” chủ yếu của các đài địa phương là nội dung chương trình. Trong khi đó, các đài địa phương thường phải làm nhiệm vụ sản xuất chương trình tin tức, phục vụ chính trị nên sẽ gặp khó khăn rất lớn về kinh phí sản xuất và ảnh hưởng đến doanh thu.
“Bộ TT&TT cần tiếp tục nghiên cứu ban hành các quy định về giá cước thuê hạ tầng truyền dẫn phát sóng để tránh tình trạng độc quyền, bảo vệ lợi ích các đài địa phương. Ngoài ra, phải ban hành các quy định trong xử lý tranh chấp khi các đài và đơn vị truyền dẫn thực hiện mua bán chương trình truyền hình”, ông Thăng đề xuất.
Duy Nguyên