Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Góp ý vào phần 4.1 (Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công), TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả cần là đích đến của tái cấu trúc đầu tư công. Mục tiêu của tái cơ cấu đầu tư công phải hướng đến ít nhất 3 nội dung. Một là, phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Hai là, vốn đầu tư công phải thúc đẩy hỗ trợ để thu hút các nguồn vốn khác. Ba là, đảm bảo tính đồng thuận và trọn vẹn trong quản lý đầu tư công của các cơ quan liên quan.
Để đạt được mục tiêu ấy, cần thay đổi thể chế đầu tư công theo hướng đảm bảo tính thống nhất của chiến lược phát triển quốc gia. Cùng với đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư công, đặc biệt là Luật Đầu tư công và các văn bản liên quan. Cần tăng cường kỷ cương phân cấp đầu tư công. Tập trung đầu tư công cho kinh tế có trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa nhằm nhanh chóng đưa vào sử dụng. Cần khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư phân tán, đầu tư không đồng bộ, những dự án chưa cấp bách, kém hiệu quả và những dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư đã tồn tại từ nhiều năm nay.
TS Trần Kim Chung cũng cho rằng, cần điều hành thống nhất nguồn vốn có khả năng làm gia tăng nợ công. Đưa vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư nhà nước ngoài ngân sách khác vào cân đối ngân sách nhà nước để phản ánh đầy đủ và chính xác thu chi, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công và giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Cùng quan điểm này, TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, cần cân đối thu chi ngân sách hợp lý để tránh nợ công tăng cao.
Theo TS Phạm Thế Anh, thâm hụt ngân sách dai dẳng cùng với rủi ro nợ tiềm ẩn từ khối doanh nghiệp nhà nước là những lý do để Việt Nam cần có sự thay đổi định hướng chi tiêu và quản lý nợ công nhằm tránh những bất ổn kinh tế trong tương lai.
Bức tranh tài khóa tổng thể cho thấy Việt Nam hiện chưa cân đối được thu chi ngân sách. Thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỷ qua với mức độ kể từ năm 2008 cao hơn so với những năm trước đó khi Việt Nam theo đuổi các chính sách mở rộng tài khóa nhằm tránh suy giảm kinh tế. Cụ thể, thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc của Việt Nam trung bình trong giai đoạn 2003-2007 chỉ là 1,3% GDP, nhưng con số này đã tăng lên 3,8% GDP theo thống kê của IMF trong giai đoạn 2008-2012.
TS Trần Kim Chung |
Trong khi đó, việc cắt giảm chi tiêu công hiện nay chủ yếu nhằm vào cắt giảm chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên – nhân tố được coi là có ít đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn lại chưa được chú trọng. Có thể nhận định rằng nguyên nhân của tình trạng thâm hụt cao kéo dài trong nhiều năm qua là do tổng chi ngân sách nhà nước quá cao chứ không phải do tổng thu thấp. Do đó, cần cân đối tốt hơn trong việc thu chi ngân sách, đảm bảo nguồn thu ổn định cho quốc gia trong kế hoạch lâu dài.
Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII phần Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường đang được nhân dân các vùng làng nghề, các khu công nghiệp rất quan tâm. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều khu vực làng nghề, khu công nghiệp và một số lưu vực sông được cải thiện chậm. Mức xử phạt dù đã tăng so với trước đây nhưng năm 2014, số vụ vi phạm về môi trường bị phát hiện và xử phạt lại tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011.
Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Văn kiện đã chỉ rõ những hạn chế về công tác quản lý tài nguyên, sự thiếu đồng bộ về cơ chế, chính sách. Đây là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng chí Đặng Văn Giang |
Theo đồng chí Đặng Văn Giang, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp, đề nghị cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm bảo vệ môi trường. Bởi chi phí cho công tác bảo vệ môi trường cũng được tính vào chi phí giá thành sản phẩm vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã vì lợi ích riêng mà trốn tránh trách nhiệm với nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Không chỉ kiến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm đến môi trường, hiện nay, môi trường làng nghề, môi trường nông thôn hay đô thị đều được nhân dân quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường đầu tư các trang thiết bị hiện đại để xử lý môi trường, đồng thời đưa ra những tiêu chí bắt buộc về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, nhà máy khi đăng ký thành lập, xây dựng.
Theo đồng chí Đặng Văn Giang, dự thảo Văn kiện đề ra mục tiêu, đến năm 2020, sẽ tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh vai trò của các cơ quan quản lý môi trường, thì cốt lõi ở đây vẫn chính là ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong cộng đồng xã hội.