Phát triển KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT phải đóng vai trò then chốt
Hội nghị khoa học công nghệ (KHCN) ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) năm 2016 vừa diễn ra sáng 10/5/2016 ở Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện hướng tới Ngày KHCN Việt Nam thường niên 18/5.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nói: "Những năm gần đây, KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT có tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng với những tiến bộ vượt bậc. Có lẽ không có ngành nào như ngành CNTT-TT, tốc độ phát triển nhanh đến mức chỉ trong vòng 2 - 3 năm không bắt kịp xu hướng thì kể cả những thương hiệu công nghệ lớn vẫn có thể phải thoái lui nhường bước cho những hãng công nghệ non trẻ. 5 năm trước đây, chắc không ai tin nổi một công ty như WhatsApp chỉ sau 5 năm hoạt động với 55 nhân viên đã được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD. Hay như chỉ một mình Nguyễn Hà Đông đã sáng tạo nên game Flappy Bird gây chấn động toàn thế giới. Với tốc độ đổi mới CNTT-TT hiện nay thì trong vòng 5 năm tới, những tiến bộ của công nghệ thực tại ảo, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, 5G, IoT (Internet kết nối vạn vật), điện toán sương mù (fog computing) … một lần nữa sẽ làm thay đổi sâu sắc cuộc sống con người với một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Chia sẻ thông tin về hoạt động KHCN chuyên ngành TT&TT thời gian qua, ông Đinh Văn Trung, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ TT&TT, cho biết hoạt động KHCN của ngành TT&TT đã góp phần tích cực nhằm triển khai hiệu quả các đề án lớn của Bộ TT&TT. Điển hình như tham gia Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, các nhà khoa học đã nghiên cứu xây dựng các sở cứ khoa học cho việc lựa chọn công nghệ truyền hình số DVB-T2 sử dụng tại Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn, xây dựng lộ trình triển khai số hóa truyền hình. Mặt khác, các nghiên cứu mang tính đón đầu công nghệ mới cũng được chú trọng triển khai nhằm xây dựng chính sách quản lý phù hợp và kịp thời như: chính phủ điện tử thế hệ mới, giải pháp công nghệ để triển khai Chính phủ di động; công nghệ dữ liệu lớn (bigdata), điện toán đám mây, công nghệ di động thế hệ thứ 4, IoT...
Tính chung cả giai đoạn 2011 – 2015, trên 65% kết quả nghiên cứu KHCN hàng năm được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai vào thực tiễn mạng lưới và các chính sách quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng trải nghiệm các sản phẩm, giải pháp bên lề Hội nghị. |
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chia sẻ tin vui: "Chúng tôi đã gửi đề xuất sang Bộ KHCN về việc đề nghị trao giải thưởng Nhà nước về KHCN cho giải pháp tính cước online của Viettel vì giải pháp này có hàm lượng chất xám cao của người Việt và đã triển khai ở nhiều nước (trong mạng lưới của Viettel), mang lại nhiều lợi ích rất lớn".
Đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu KHCN của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành TT&TT nhưng Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng lưu ý rằng tỷ lệ 65% đề tài nghiên cứu KHCN của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT đã được đưa vào thực tiễn, thương mại hóa vẫn đang là con số khá thách thức. Cần cố gắng phấn đấu để nâng cao hơn nữa tỷ lệ này. Hiện cơ chế chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn đối với các nhà khoa học. Chẳng hạn, rất khó đề xuất cơ chế quản lý giao tự chủ cho nhà khoa học.
Đại diện cho Bộ KHCN, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN cao, cũng thừa nhận: "Dù CNTT luôn là một trong những lĩnh vực hàng đầu, được nhắc đến đầu tiên trong các luật, chiến lược về KHCN, nhưng khung pháp luật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển KHCN còn nhiều vướng mắc".
"Bộ KHCN đang nỗ lực cùng Bộ Tài chính tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó. Bộ KHCN cũng đang đẩy mạnh xây dựng khung pháp luật cho hoạt động khởi nghiệp, và sẽ xây dựng Chương trình KHCN cấp quốc gia để thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về chính phủ điện tử", ông Đào Ngọc Chiến cho biết thêm.