Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại ASEM 11
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Thưa Ngài Chủ tọa,
Thưa các Quý vị,
1. Thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn Ngài Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj, Chính phủ và nhân dân Mông Cổ về sự đón tiếp nồng hậu và sự chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị. Tôi cũng xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Pháp về những tổn thất to lớn do vụ khủng bố ngày hôm qua.
2. Sau gần hai thập kỷ, Diễn đàn ASEM đã khẳng định và đang thực hiện tầm nhìn chiến lược về hợp tác và liên kết quốc tế; trở thành diễn đàn kết nối, liên kết đa tầng nấc các quốc gia, các nền văn minh và gắn kết các doanh nghiệp, người dân hai châu lục Á-Âu vì hòa bình và phát triển.
3. Những vận hội và thách thức mới trong cục diện thế giới đòi hỏi ASEM phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác và hướng tới tầm cao mới trên toàn cầu về đối thoại và hợp tác trong thế kỷ 21, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở hai châu lục và thế giới. Việt Nam đánh giá cao vai trò tiên phong của chủ nhà Mông Cổ cùng các thành viên trong việc thông qua “Tuyên bố Ulan Bator”. Theo đó, tôi xin chia sẻ một số điểm sau:
Thứ nhất, kết nối cần trở thành một trọng tâm lớn của hợp tác ASEM, chú trọng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh trao đổi thương mại, tài chính; phát triển công nghệ thông tin, nguồn nhân lực… Tiếp tục tăng cường kết nối, hợp tác khu vực và tiểu vùng, trong đó có hợp tác Mekong-Danube, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển; thúc đẩy giao lưu nhân dân của Quỹ Á-Âu.... Đây là cơ sở để chúng ta khai thác hiệu quả những cơ hội của hợp tác, liên kết trong kỷ nguyên số, làn sóng mới về thương mại-đầu tư quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ hai, đối thoại và hợp tác ASEM cần gắn kết chặt chẽ và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, giữ gìn hòa bình, ổn định nhất là hỗ trợ nỗ lực giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó các thách thức toàn cầu. Ưu tiên trước mắt là đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững đến 2030, Thỏa thuận COP21 về ứng phó với biến đổi khí hậu, Khuôn khổ hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đồng thời chúng ta cần tiếp tục định kỳ triển khai “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”. Đây chính là những giải pháp then chốt tạo xung lực mới cho các mối quan hệ đối tác ngày càng thực chất, hiệu quả, trên mọi tầng nấc.
Thứ ba, hợp tác theo “phương cách ASEM” cần chú trọng yếu tố hiệu quả, thiết thực. Theo đó, cần có chương trình, dự án cụ thể triển khai hoạt động của các Nhóm hợp tác chuyên ngành về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, ứng phó thiên tai, quản lý bền vững nguồn nước... Tăng cường đóng góp của thanh niên, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.... vào hợp tác ASEM để giúp khởi xướng và triển khai các ý tưởng mới nâng cao tính tự cường của ASEM và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
4. Việt Nam luôn coi trọng và tiếp tục ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Á-Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có. Chúng tôi sẽ cùng Phần Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc tổ chức “Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” năm 2017, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác Á-Âu, hướng tới cộng đồng ASEM năng động, gắn kết, tự cường và lấy con người làm trung tâm.
Cảm ơn các Quý vị./.