Phần I: Sự ra đời của báo lá cải (phỏng vấn một con sâu)
Phần I: Sự ra đời của báo lá cải (phỏng vấn một con sâu)
- Sâu: Đúng. Và ở Việt Nam, hiện tượng lá cải đã ra đời khoảng chục năm nay, và đang trong thời kỳ phát triển.
- Phóng viên: Đến mức rực rỡ?
- Sâu: Chưa đâu. Nhưng có lẽ cũng… nhanh thôi.
- Phóng viên: Thưa anh, nếu như cái gì cũng có mặt trái của nó, thì mặt trái của báo chí chính là báo lá cải. Nói vậy được không ạ?
- Sâu: Cũng được. Nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên cố gắng suy nghĩ một cách không lá cải về vấn đề này.
- Phóng viên: Vâng. Theo anh thì lịch sử lá cải ở ta bắt nguồn từ đâu?
- Sâu: Nói một cách thẳng thắn thì từ cuộc sống. Xưa nay, chúng ta thường cố tình hiểu chữ ấy một cách cao quý. Như vậy cũng tốt thôi. Và chúng ta luôn luôn muốn miêu tả cuộc sống theo góc độ chính thống. Như vậy càng tốt hơn nữa.
Hậu quả sau khi đọc Lá Cải. Minh họa Lê Tâm. |
- Phóng viên: Tôi đồng ý.
- Sâu: Nhưng sự sống chỉ tồn tại khi nó phát triển, mà phát triển thì phải đa dạng, đúng không nào?
- Phóng viên: Đúng ạ.
- Sâu: Một đòi hỏi chân chính của bạn đọc là muốn nhìn xã hội dưới nhiều góc độ. Và một số góc độ trong đó, xét theo quan điểm chính thống, nếu không có hại cũng chẳng hay ho gì.
- Phóng viên: Ví dụ?
- Sâu: Ví dụ như một nghệ sĩ biểu diễn như thế nào thì rất đáng quan tâm. Nhưng anh ta hay chị ta ăn gì, ly dị ai, yêu ai hoặc nuôi thứ chó mèo nào thì rõ ràng chẳng liên quan tới nghệ thuật.
- Phóng viên: Và báo lá cải đã khai thác chuyện đó.
- Sâu: Đúng vậy. Hơn thế nữa, họ còn phát hiện ra những chuyện ấy bán được, dễ dàng thu thập được và thậm chí có thể làm cho một số kẻ nổi tiếng được.
- Phóng viên: Từ rụt rè, dò dẫm, lá cải nhanh chóng biến thành tự đắc và tự tin.
- Sâu: Chính xác. Lá cải Việt Nam phát triển sau, nhưng nó may mắn sinh ra trong thời kỳ Internet đang lan rộng toàn cầu, thành ra như được chắp cánh. Lá cải đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và… chất lượng.
- Phóng viên: Ta có nên dùng từ “chất lượng” ở đây chăng?
- Sâu: Có chứ. Nếu như ma túy có loại một, loại hai thì lá cải tiếc thay cũng thế. Những phóng viên chuyên săn tin lá cải đã có độ nhạy cảm nhanh đến không ngờ, khiến tôi cũng ngạc nhiên. Hậu quả là một bài bình luận sâu sắc, phân tích cho đàng hoàng thì rất hiếm, nhưng những sự kiện vớ vẩn thì đầy. Nào ca sĩ thay áo, nào cầu thủ xịt nước hoa, sự đa dạng, phong phú lẫn… trơ tráo của lá cải ngày càng tăng, ngày càng đậm nét và ngày càng quá quắt.
- Phóng viên: Suy cho cùng, phải chăng đấy là cái giá phải trả của tất cả những ai nổi tiếng?
- Sâu: Không phải như thế. Điều đó tôi sẽ bàn kỹ trong một bài khác. Trong số này, chúng ta chỉ nói tới lịch sử ra đời “non trẻ” của báo lá cải Việt Nam, và phân tích nguyên nhân khi nó có vẻ đang phát triển mạnh mẽ.
- Phóng viên: Để tôi thử nói nhé. Nếu nhìn trên diện rộng thì xã hội chúng ta đang ở giai đoạn bùng nổ, và tất cả những cái mới, cả xấu và tốt, đều được đón nhận một cách ngạc nhiên, háo hức và hồ hởi. Hiện tượng tin tức lá cải cũng chẳng phải ngoại lệ.
- Sâu: Đúng vậy. Chúng ta hay nói công chúng là thông minh và công bằng. Nhưng công chúng ở một mức độ nào đó cũng luôn cần hướng dẫn, giáo dục, ít ra ở một số trường hợp. Tin tức lá cải thoạt nhìn chẳng có vẻ làm hại ai cả. Nó có vẻ là những hiện tượng khách quan được nhìn dưới những góc độ lạ lùng, khiến cho một bộ phận người đọc say mê. Nói cách khác, đưa tin cũng là một nghệ thuật mà trong nghệ thuật thì tính giải trí luôn có vị trí cao, luôn hấp dẫn.
- Phóng viên: Tôi hiểu.
- Sâu: Nhưng nếu ta xét một cách nghiêm khắc thì ma túy cũng hấp dẫn đấy thôi, và tác hại của nó đâu còn ai nghi ngờ.
- Phóng viên: Có thể sự lá cải là một thứ ma túy của dư luận được không?
- Sâu: Cũng có thể được. Ít ra cũng có thể coi đấy là thuốc lá hay rượu, không bất hợp pháp hoàn toàn, lúc đầu thì gây kích thích nhưng xơi nhiều cơ thể về lâu dài sẽ dẫn tới ung thư. Nhưng ta hãy quay lại vấn đề sự ra đời của lá cải. Nó gần như là một đòi hỏi tất yếu. Thế mới đau.
- Phóng viên: Vâng. Nó là hậu quả không thể tránh khỏi của một nền kinh tế thị trường, trong đó người ta nhận thấy tin tức cũng là hàng hóa.
- Sâu: Nói một cách khoa học thì đó rõ ràng là hàng hóa chứ còn nghi ngờ gì nữa. Mà đã là hàng hóa thì lập tức có hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng. Nhưng thực tế đã chứng minh chúng vẫn có thể bán được giá cao nếu quảng cáo tốt, nếu ra đời đúng thời điểm và nếu như hàng thật không chịu thay đổi mẫu mã.
- Phóng viên: Tôi hiểu.
- Sâu: Điều oái oăm nằm ở chỗ tại chợ, rau cải dù có vẻ ”sang” đến mấy, suy cho cùng chỉ nằm ở quầy rau, thì báo lá cải của chúng ta không thế. Sự lá cải đầu tiên không tồn tại độc lập, mà là một thực thể ký sinh. Có nghĩa là, chúng được để chung với những món hàng cao cấp khác. Vấn đề phức tạp ở chỗ ấy và gay go cũng ở chỗ ấy.
- Phóng viên: Ký sinh?
- Sâu: Vâng. Nếu để ý kỹ, anh sẽ thấy các báo lá cải ban đầu không có nhãn mác riêng. Chúng là một dạng “công ty con”, một thứ “phụ lục” . Chúng nấp dưới các danh nghĩa lớn và chịu sự che chở của các danh nghĩa lớn, ở một mức độ nào đó.
- Phóng viên: Như vậy tốt hay xấu?
- Sâu: Khoan bàn tới tốt hay xấu, nhưng như vậy là khác thường. Nhưng sự che đậy, tất nhiên cũng sẽ chẳng kéo dài lâu. Một số “lá cải” sẽ ngày càng chuyên nghiệp và muốn xuất hiện công khai. Điều đó hóa ra lại có mặt tốt.
- Phóng viên: Tốt ư?
- Sâu: Đúng thế! Theo ý tôi, một con sâu, thì chúng ta không có gì phải sợ lá cải. Cái mà chúng ta sợ là sự lập lờ của chúng. Nhưng chuyện ấy sẽ nói ở phần sau!
Theo Lê Thị Liên Hoan
(ANTG)