"Phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương"
Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Vĩnh Phúc là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Nhân dân Vĩnh Phúc yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm kỳ qua, với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng và vẫn còn những hạn chế cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí Phạm Quang Nghị đồng tình với những nội dung của bản báo cáo chính trị và đề nghị tỉnh Vĩnh phúc nghiên cứu một số vấn đề sau đây:
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu chỉ đạo đại hội |
Một là, tỉnh Vĩnh Phúc nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp để thật sự trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh; lựa chọn các phương án, dự án có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ.
Hai là, tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, trước hết là các ngành trực tiếp phục vụ phát triển công nghiệp như dịch vụ vận tải, kho bãi, tài chính, ngân hàng, thương mại và các dịch vụ phục vụ công nhân, người lao động trong khu công nghiệp. Khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ; có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm dịch vụ chất lượng cao và đầu tư vào hạ tầng các khu du lịch trọng điểm; phấn đấu đưa dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế.
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại. Thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch phát triển đô thị (Quy hoạch chung, quy hoạch vùng và quy hoạch chi tiết). Trong quá trình lập quy hoạch cần quan tâm thực hiện tốt các yêu cầu về phát triển bền vững, khai thác tối đa các nguồn lực có thể huy động để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bốn là, về lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù chỉ chiếm 10% giá trị sản xuất, song chiếm tới 70% số dân trong tỉnh; cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển mạnh sang sản xuất nông sản sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Đồng thời, cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ, khuyến khích thành lập doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của thị trường trong nước, trước hết là thị trường Thủ đô Hà Nội.
Năm là, chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Làm tốt công tác hướng nghiệp, chuyển đổi nghề cho các hộ không còn đất sản xuất. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Làm tốt công tác y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nảy sinh trong quá trình phát triển.
Sáu là, thường xuyên làm tốt công tác củng cố quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển.
Bẩy là, cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đặc biệt coi trọng việc chăm lo xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trước hết là đoàn kết trong cấp uỷ và trong đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp (ở tất cả các cấp: tỉnh, huyện, xã, trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và trong toàn Đảng bộ); đoàn kết trên cơ sở đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, vì sự phát triển của địa phương; thực hiện thật tốt lời Bác Hồ căn dặn: “Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đức, có tài; vững vàng về tư tưởng chính trị, thành thạo về chuyên môn, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng hẫng hụt về cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết, kịp thời mọi biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, xa rời lý tưởng. Xây dựng chính quyền vững mạnh, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội theo hướng sát dân, sát cơ sở.