Phân bổ ngân sách: “Chưa phú quý thì không nên sinh lễ nghĩa”
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Đỗ Thị Hòa – Quảng Ninh cho rằng hiện còn rất nhiều vấn đề liên quan đến chi tiêu ngân sách, hiện nay bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, có chức năng giao nhiều đơn vị thực hiện nhưng lại thiếu tính thống nhất dẫn tới tình trạng buông lỏng quản lý. Có những đơn vị được giao 2 nhiệm vụ nhưng khi thống kê thành tích thì kê 3 kê 4. Bên cạnh đó, cơ chế tuyển dụng chưa đảm bảo công khai minh bạch, thiếu cơ chế đào thải người không làm được việc, tiền thưởng dựa trên thâm niên công tác mà không căn cứ vào các đóng góp thực tế của các cá nhân.
Bội chi ngân sách trong những năm qua luôn tăng |
Cũng góp ý về vấn đề chi tiêu ngân sách, Đại biểu Trần Du Lịch - Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông cũng cảm thấy Bộ Tài chính đang trong tình trạng rất khổ vì cứ phải “giật gấu vá vai”. Giờ cứ phải đặt ra câu hỏi: Cắt bớt ngân sách của ai? Tăng lương lấy đâu ra?
Điều này cho thấy có những vấn đề không ổn về nguyên tắc ngân sách. Theo đại biểu Trần Du Lịch, vấn đề đặt ra hiện nay là có thể giảm chi thường xuyên hay không để dành trả nợ đầu tư.
Ông Lịch đưa ra quan điểm là không thể để chi thường xuyên tăng cao hơn năm 2015 kể từ nay về sau và vấn đề “phú quý sinh lễ nghĩa” cũng cần cắt giảm, nước ta “chưa phú quý thì không nên sinh lễ nghĩa”.
Theo ông Lịch, việc chi để xây trụ sở, sắm phương tiện là chi tiêu dùng cũng không nên “vung tay”. Và chính những vấn đề thâm hụt từ những điểm trên khiến thâm hụt ngân sách. Để giải quyết được những vấn đề này thì Chính phủ và Quốc hội cần nghiên cứu xây dựng các chính sách phù hợp.
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần thay đổi việc chi thường xuyên cho các nhóm y tế và giáo dục. Hiện chi cho nhóm này luôn tăng trong khi đó cả người có tiền và không có tiền đều không thỏa mãn với các sản phẩm của y tế và giáo dục. Nhà nước chỉ nên bao cấp 1 số vấn đề của nhóm này.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên cũng đưa ra các đề xuất đối với vấn đề hụt thu ngân sách. Theo ông Hùng, trước hết cần tích cực giải quyết nợ đọng thuế, hiện thông tin cho biết số thuế nợ đọng còn tới 76 nghìn tỷ đồng. Thứ hai là cần giảm chi. Cần cắt và hoãn một số khoản chi có thể cắt hoãn, thực hiện nghiêm việc giảm chi theo đề xuất của kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó cần tiết kiệm triệt để việc thực hiện chi ngân sách và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn và vốn đi vay.