Phạm nhân bị cách ly, hạn chế thăm nom tại sao lại đưa họ ra ngoài?
Nên hay không nên quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam là nội dung gây tranh cãi nhiều nhất tại phiên thảo luận tại hội trường về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) diễn ra vào chiều ngày 22/5.
Nhu cầu chính đáng của phạm nhân là lao động?
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) bày tỏ sự đồng tình với quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Bà Thủy viện dẫn, “việc này không chỉ nhằm cải tạo họ, mà rất cần thiết cho mục tiêu tái hòa nhập cộng đồng”.
ĐB Nguyễn Thị Thủy phát biểutại phiên thảo luận. |
“Bởi có những người bị phạt tù 10- 15 năm nếu không có lao động, không có tay nghề khi mãn hạn tù, họ sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm rất lớn”, bà Thủy nêu quan điểm.
Về nguyên tắc, tổ chức cải tạo ở trại giam là tốt nhất song theo ĐB Bắc Kạn, trên thực tế nhiều trại giam, nhất là các trại ở Miền Bắc và Miền Trung diện tích chật hẹp, nếu làm nông nghiệp thì “không có đất để sản xuất”; còn làm những ngành nghề khác thì “rất khó khăn để đầu tư nhà xưởng, máy móc đáp ứng yêu cầu”.
“Thời gian qua, phương án kết hợp với doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam đã đặt ra nhưng mới chỉ thực hiện được ở một số trại. Bởi trong 54 trại trên cả nước thì có tới 34 trại đóng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, chi phí sản xuất rất cao nên doanh nghiệp không đầu tư. Trên thực tế, việc tổ chức cho phạm nhân lao động tại trại chỉ dừng ở việc trồng rau, nuôi lợn chứ không có việc để làm”, ĐB Thủy phân tích.
Với ý kiến lo ngại tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam ảnh hưởng đến an ninh an toàn, bà Thủy cho rằng “những lưu ý này là cần thiết để Bộ Công an tổ chức, quản lý chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi nhu cầu chính đáng của phạm nhân là lao động”.
Chung quan điểm này, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ quan điểm đồng ý đưa Điều 33 vào dự thảo Luật và cần thiết kế nội dung điều khoản này sao cho phù hợp với thực tiễn.
Bởi lẽ, thực tiễn hiện nay một số trại đã tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Báo cáo của Bộ Công an, ý kiến của Chính phủ khi trình dự án Luật và quan điểm của Viện KSND tối cao cho thấy, việc này hoàn toàn không có vấn đề gì lớn.
Theo vị đại biểu dân cử tỉnh Bến Tre, để phạm nhân cải tạo lao động là chính đáng, nhưng bắt buộc họ đi kiếm tiền lại là việc làm không chính đáng. |
Phạm nhân bị hạn chế một số quyền, tại sao đưa họ ra ngoài?
Ngay sau phát biểu của bà Thủy, hàng loạt đại biểu đã giơ biển tranh luận.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thể hiện quan điểm nhất quán, không đưa quy định của Điều 33 vào dự thảo Luật bởi nhiều lý do. Ông Nhưỡng nêu câu hỏi: “Đối với nhiều phạm nhân không chỉ bị cách ly mà còn phải hạn chế một số quyền, kể cả thăm nom, vậy tại sao đưa họ ra ngoài"?.
ĐB Lưu Bình Nhưỡngtại phiên thảo luận. |
Theo vị đại biểu dân cử tỉnh Bến Tre, để phạm nhân cải tạo lao động là chính đáng, nhưng bắt buộc họ đi kiếm tiền lại là việc làm không chính đáng. Ông Nhưỡng cũng lo ngại những hệ lụy phức tạp khi đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng cho rằng: “Dự thảo Luật trao cho trại giam quyền đưa phạm nhân ra khỏi cơ sở giam giữ theo quy định nào của pháp luật? Ai có thẩm quyền này? Việc này chưa được giải quyết trong dự thảo Luật”.
"Ngoài ra, các phạm nhân được đi lao động theo hợp đồng thì vấn đề đặt ra là giải quuyết các mối quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động như thế nào? - ông Sơn thắc mắc.
Tương tự, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cũng cho rằng, doanh nghiệp không phải là cơ sở giam giữ nên việc thiết kế cho phạm nhân đi lao động ngoài trại giam vượt quá khuôn khổ của Bộ Luật hình sự.