Phải giám sát chặt quy trình vận hành công trình thủy lợi
Thảo luận về Luật Thủy lợi tại hội trường sáng nay 8/6, ĐB Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) cho rằng: Điều 37 về hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, khoản 1 điều này quy định các đối tượng được nhà nước hỗ trợ, “tôi đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ đó là hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho hộ gia đình có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Việc hỗ trợ này là phù hợp, thống nhất với chính sách của nhà nước đối với người khuyết tật”.
Đối với điều 24 quy định vận hành công trình thủy lợi tại khoản 2, ĐB Kim Nhung cho biết, quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa vào khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, còn một số công trình thủy lợi đang khai thác mà không có quy trình vận hành như quy định.
Đối với những công trình này, tổ chức cá nhân khai thác có trách nhiệm lập quy trình vận hành do cấp có thẩm quyền phê duyệt, là quy định mở để xử lý các trường hợp.
“Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định lại nội dung ở điểm d khoản 2 theo hướng ràng buộc trách nhiệm trong việc lập và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi. Từ trách nhiệm lập và chịu trách nhiệm về quy trình vận hành, về trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi, ngoài những nhiệm vụ mà dự thảo đã nêu ra tôi đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát việc vận hành công trình thủy lợi. Giám sát là khâu quan trọng đối với việc vận hành các công trình thủy lợi, tránh gây ra những thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân và cả công trình thủy lợi”- ĐB Kim Nhung nói.
Vẫn theo ĐB này, thực tế thời gian qua có nhiều chủ thể khai thác, vận hành công trình thủy lợi biết trước hậu quả của việc vận hành không đảm bảo quy trình nhưng vẫn cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là vụ việc tại nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung. Gần đây nhất, ngày 26/5/2017, thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ bất ngờ làm chết một người đánh cá.
“Để đảm bảo các chủ thể khai thác, vận hành đúng quy trình, cần có sự giám sát, vận hành chặt chẽ từ phía cơ quan chủ quản đối với các công trình thủy lợi”- ĐB Kim Nhung nhấn mạnh.
Một vấn đề khác trong dự án Luật cũng được ĐB Phan Thanh Bình (Quảng Nam) đề nghị bổ sung việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải tính toán chặt chẽ yếu tố địa chất, địa chấn, hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội, đảm bảo an toàn cao nhất cho công trình, con người và hiệu quả kinh tế.
“Tôi đề nghị bổ sung giải thích cụm từ công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, vì cụm từ này được dùng ở rất nhiều các điều luật liên quan đến quy hoạch, quản lý triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi về quản lý nhà nước,… do vậy cần giải thích rõ như thế nào là công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt để thống nhất cách hiểu”- ĐB Thanh Bình nêu.