“Phải có hiểu biết, nhận thức sâu sắc về chủ quyền biển đảo”
“Phải có hiểu biết, nhận thức sâu sắc về chủ quyền biển đảo”
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn trong buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng tác nghiệp trong công tác thông tin tuyên truyền về biển và hải đảo cho các PV, BTV các cơ quan báo chí khu vực phía Nam, được tổ chức vào chiều 27/7.
“Mọi quốc gia đều hướng ra biển”
Trong bài nói chuyện mở đầu buổi tập huấn, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết, trong điều kiện hiện tại mọi quốc gia đều hướng ra biển và coi đó là một cách thức để thể hiện sức mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh các loại tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, thì tài nguyên biển càng trở nên ý nghĩa, sự khai thác các tài nguyên này không chỉ giúp phát triển nền kinh tế đất nước mà còn góp phần vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên biển.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn phát biểu tại buổi tập huấn
Tuy vậy, Thứ trưởng cũng cho biết, trong tuyên truyền về biển đảo hiện nay vẫn có những sai phạm “ngây thơ” nhưng đã dẫn đến những hậu quả “không ngây thơ chút nào”. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng lấy ví dụ về việc nhiều cơ quan báo đài hiện nay vẫn đưa bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa, hoặc về mặt thể hiện không đúng như màu đất và màu đất liền khác nhau, mới đây nhất là việc các Công ty lữ hành vẫn chú thích Biển Đông là “China beach”.
Trong phần kết thúc bài nói chuyện, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: “Nói đơn giản nhưng để thực thi trong công tác thông tin đòi hỏi cán bộ phải có nhận thức, hiểu biết sâu sắc về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
“Trung Quốc có 4.000 nhà nghiên cứu biển Đông”
Cũng trong khuôn khổ buổi tập huấn, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho biết, hiện nay Trung Quốc có tới 4.000 nhà nghiên cứu biển Đông, hàng năm nước này cũng có khoảng 300 luận án tiến sĩ, cùng 20.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng viết về vùng biển này. Trong khi đó số lượng người thật sự nghiên cứu về biển Đông ở nước ta còn rất ít.
Liên quan đến việc Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Nghiêm cho biết, theo luật pháp quốc tế, hành động này của Trung Quốc sẽ không được thừa nhận, bởi họ đã chiếm giữ trái phép bằng vũ lực.
Đề cập đến âm mưu của Trung Quốc trong việc lấn chiếm Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, ông Nghiêm cho biết, hiện tại Trung Quốc đang tập trung đưa ra các yêu sách lên tiếng đòi hỏi chủ quyền lâu đời đối với Hoàng Sa – Trường Sa. Đặc biệt là ý đồ dùng 2 quần đảo này làm tâm để vẽ ra xung quanh một đường tròn với bán kính 200 hải lý kết hợp với đường lưỡi bò độc chiếm biển Đông.
Không để Trung Quốc đặt giàn khoan dầu khí trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam
Ngoài ra việc nước này liên tục có những hành động làm gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây như lập thành phố Tam Sa, mời thầu 9 lô dầu khí, hay đưa các tàu cá ra đánh bắt tại vùng biển của Việt Nam càng thể hiện rõ mưu đồ làm thế giới hiểu nhầm những vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam thành vùng có tranh chấp.
Cũng theo ông Nghiêm, để ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc và giúp cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại Biển Đông, chúng ta cần minh bạch hóa các thông tin về biển đảo, để mọi tầng lớp nhân dân có điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu nhằm hiểu rõ hơn về chủ quyền của nước ta tại Biển Đông.
Trong công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh chiến lược thông tin đến các nước ngoài Việt Nam, đặc biệt là 1,3 tỷ dân Trung Quốc, giúp họ hiểu đúng bản chất của những tranh chấp tại Biển Đông. Ngoài ra cần tranh thủ sự đồng tình của các nước ASEAN và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh đó chúng ta phải bác bỏ sự vô lý của đường lưỡi bò, không để Trung Quốc đặt giàn khoan dầu khí trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam, cũng như kiên quyết bảo vệ quyền đánh cá và những hoạt động hợp pháp khác tại Biển Đông của ngư dân Việt Nam.
Nguyễn Cường