PGS Trịnh Hòa Bình: Đám đông hung hăng do "cảnh giác" quá độ!
PGS. TS Trịnh Hòa Bình |
Lúc nào cũng sẵn sàng chờ xả giận?
Gần đây có hai vụ việc khiến chúng ta phải giật mình vì cách hành xử của đám đông. Hai người phụ nữ hỏi em bé bố mẹ có nhà không để bán tăm bông thì bà nội em bé nghi ngờ cháu bị dụ dỗ. Hai người đàn ông vào cửa hàng đồ gỗ hỏi mua đồ thì đúng lúc vợ cửa hàng đồ gỗ chóng mặt liền nghi ngờ bị thôi miên.
Sau tiếng hô hoán “bắt cóc trẻ con” hai người phụ nữ đã bị người dân trong làng đánh “thừa sống thiếu chết”, hai người đàn ông không những bị bắt giữ mà còn bị đốt cháy rụi xe ô tô tiền tỉ. Chỉ đến khi cơ quan chức trách đến giải cứu thì tính mạng của họ mới được bảo toàn.
Vì sao lại có sự “hung hăng” đến tàn bạo như vậy? Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, liên tiếp trong thời gian qua có những vụ “đánh tập thể” phản ảnh áp lực trong đời sống cộng đồng, trong đời sống của mỗi người rất lớn và mang tính chất thường nhật.
“Điều này làm cho mỗi thành viên, mỗi con dân chúng ta lúc nào cũng trong trạng thái “âm âm u u”, lúc nào cũng chờ xả, chờ giận thành thử mất đi cả sự tỉnh táo trong phản ứng”- PGS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
PGS Trịnh Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ việc những thông tin thôi miên, bắt cóc đều có trên mạng, có từ trước về vụ này vụ kia nên khi người ta nghĩ đến cảnh đó họ “cảnh giác” quá độ, nhầm tưởng.
“Tất nhiên trên thực tế cũng có những vụ có thật nhưng vấn đề ở chỗ là thật giả lẫn lộn, cho ta thấy một thực tế ở đời sống cộng đồng chả cứ đô thị mà ngay cả ở nông thôn, cũng đầy rẫy áp lực. Mà điều đáng ngại là áp lực này mang tính thường xuyên, nó đè nặng tạo nên phản ứng thái quá, phản ứng không tỉnh táo, mất kiểm soát của cộng đồng”- PGS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Xã hội quá nhiều áp lực
Dưới góc nhìn của một nhà xã hội học, PGS Trịnh Hòa Bình phân tích thêm, nguyên nhân của xã hội quá nhiều áp lực khiến cho đời sống cộng đồng lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng “giáng trả”.
“Đây giống như tâm lý trực chờ để bùng phát. Mà đặc biệt người ta hay tìm cách bùng phát vào kẻ yếu hơn người ta. Nó là một phức hợp rất nhiều những áp lực trong đó gồm cả những chuẩn mực trong quản trị xã hội nông thôn cũng như đô thị chúng ta. Cộng thêm với yếu tố tội phạm đầy rẫy, hệ giá trị trong đời sống xã hội chúng ta bị đứt gẫy, nó đang đứng trước những thử thách ghê gớm, "vàng thau lẫn lộn"”- PGS Hòa Bình phân tích.
“Một xã hội mà người ta mất lòng tin một cách ghê gớm, sâu sắc cho nên tự họ sắp xếp lấy, thu xếp lại trật tự xã hội theo cách hiểu của người ta" - PGS Hòa Bình nhấn mạnh và cho rằng hiện tượng "ở mức căng thẳng và trực chờ như hiện nay thì thực sự đáng lo ngại".
Do đó, để triệt tiêu tận gốc tâm trạng này, PGS Hòa Bình cho rằng, các thông tin sai lệch, các vụ việc lùm xùm cần thiết phải được kiểm chứng tại chỗ, công bố nhanh nhất có thể và trừng trị kẻ sai vừa trực tiếp vừa thực sự hiệu quả và phải đúng người đúng tội. Đương nhiên phải trừng trị thích đáng những kẻ xấu.
“Chúng ta cần làm tốt hơn nữa việc tổ chức xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, một chính quyền phải gần dân hơn nữa, phải thực sự sâu sát các quyết sách với địa phương, có ý nghĩa cụ thể… Điều đó giúp xóa bỏ bầu không khí căng thẳng của xã hội”- PGS Hòa Bình nhấn mạnh.