PGĐ Công an TPHCM: Không nhất thiết phải luật hóa quyền im lặng!
“Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” (Theo nội dung dự thảo Luật tố tụng hình sự sửa đổi). Đây cũng chính là vấn đề gây nên cuộc tranh luận sôi nổi của các ĐBQH tại tổ chiều 27/5.
ĐB Lê Đông Phong (TP. Hồ Chí Minh), Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm, “bị can, bị cáo không bị ép buộc nhận tội, nhưng cũng không quy định một cách bắt chước các nước khác là nghi can không cần khai báo gì. Theo dự thảo luật lời khai vẫn là một nguồn chứng cứ, nghĩa là vẫn ghi lời khai, xét hỏi. Quy định bị can, bị cáo không cần khai là máy móc”.
Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị thống nhất quan điểm, “bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, không bị ép buộc. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra. Đừng vì một số vụ án oai sai mà làm đảo lộn tất cả”.
ĐBQH Lê Đông Phong (TP. Hồ Chí Minh), Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không nhất thiết phải luật hóa quyền im lặng. |
Cũng trùng với ý kiến không nhất thiết phải đưa “quyền im lặng” vào luật, ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp nói: “Việc quy định quyền im lặng của người phạm tội là không đúng. Im lặng là lúc chưa có luật sư. Còn hiểu im lặng là không khai là bất lợi và rất nguy hiểm. Giết người cướp của cũng không khai báo là không đúng. Bị can, bị cáo được tự do trình bày ý kiến, quan trọng nhất là chống lại bức cung, nhục hình”.
Theo ông, quyền im lặng chỉ có ý nghĩa góp phần chống bức cung, nhục hình. Vấn đề là không được để oan sai, không được để tội phạm lộng hành. ĐB Đương đề xuất, không nên ép buộc bị can “im lặng”, tự do khai báo là rất quan trọng để nghi can bảo vệ mình.
Đồng tình, ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) bày tỏ, quyền im lặng không đưa ra lời khai. Quyền của bị can, bị cáo được quy định trong Hiến pháp. Nghi can cũng có quyền tự bào chữa hành vi phạm tội và chứng minh mình không có tội. Còn chuyện buộc tội hay không thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải điều tra.
Nhưng ý kiến của ĐB Đương không nhận được sự đồng tình từ một số ĐBQH trong đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh. ĐB Trương Trọng Nghĩa nói, quyền không khai báo ở các nước rất phổ biến, còn mình lại không coi trọng là hạ thấp quyền công dân, trái với Hiến pháp. Tất nhiên khi áp dụng cái mới thì sẽ nhận được ý kiến này khác, không đồng tình. Nhưng khó thì phải phấn đấu, nỗ lực …”.
Cũng không đồng tình với ĐB Đương, ĐB Trần Du Lịch bày tỏ, “anh muốn nói không có tội thì phải chứng minh. Đừng nghĩ vì trình độ thế này mà chúng ta không nên cải cách, mà vấn đề là có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không. Phải thay đổi quan niệm, trọng chứng chứ không trọng cung”.
Còn theo phân tích của ĐB Nguyễn Đình Quyền (TP. Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, quyền im lặng phụ thuộc vào mô hình tố tụng của từng nước. Ở nước ta 80-90% mô hình tranh tụng là xét hỏi có kết hợp tranh tụng. Quyền im lặng chủ yếu áp dụng mô hình tranh tụng mà luật sư là người đại diện. “Làm sao vừa phải đảm bảo quyền của bị can, bị cáo trong trường hợp bảo vệ quyền hợp pháp của họ. Đồng thời, cũng phải đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nghiêng về bên nào đó cũng rất khó, dân chủ quá thì yêu cầu đấu tranh chống tội phạm không đảm bảo; còn nghiêng về đấu tranh chống tội phạm thì lại không bảo đảm quyền con người…”- ĐB Quyền băn khoăn.
Kể lại thực tế “tận mắt chứng kiến” trong chuyến đi giám sát tại Tiền Giang, Mỹ Tho… vừa qua, ông Quyền cho biết, tại các địa phương này tới 80-90% phát hiện phạm tội là bắt, tạm giam. “Đương nhiên tạm giam thì thuận lợi hơn cho công tác điều tra, nhưng như vậy thì quá lạm dụng chuyện tạm giam” – ông nói và đề nghị, lần này sửa đổi luật phải quy định chặt chẽ hơn.