Ông Vũ Văn Luân sẽ bào chữa cho gia đình ông Vươn
Trao đổi với PV Infonet, bà Phạm Thị Hiền (em dâu ông Vươn), cho biết: “Tôi và chị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) đã mời anh Vũ Văn Luân ở xóm 9, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng - Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, làm người bào chữa cho tất cả các thành viên của gia đình trong phiên tòa phúc thẩm tới đây”.
Ông Vũ Văn Luân (bên phải) và GS.TSKH Đặng Hùng Võ trong dịp Hội thảo về luật đất đai tại Hà Nội, người được gia đình ông Vươn mời tham gia bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm vụ án "Giết người - Chống người thi hành công vụ" xảy ra ngày 05/01/2012 tại cống Rộc, xã Vinh Quang. |
Về thông tin trên, ông Vũ Văn Luân xác nhận: “Tôi đã được cô Thương, cô Hiền mời tham gia bào chữa trong phiên tòa phúc thẩm với tư cách “Người đại diện theo ủy quyền của bị cáo” theo Điểm a Khoản 1 Điều 56 Bộ luật tố tụng Hình sự, hồ sơ đã được gửi cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao. Nếu chú Vươn, chú Quý, anh Sịnh và cháu Vệ mời tôi tham gia bào chữa tôi cũng sẽ nhận lời”.
Nếu được chấp thuận, có lẽ ông Vũ Văn Luân là người đầu tiên trong lịch sử tố tụng hình sự bào chữa cho các bị cáo với vai trò “Người đại diện theo pháp luật”.
Điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về Người bào chữa: 1. Người bào chữa có thể là: a) Luật sư; b) Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; c) Bào chữa viên nhân dân. 2. Những người sau đây không được bào chữa: a) Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó; b) Người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch. 3. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. 4. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. |