Ông Võ Văn Thưởng: "Nhà nước nợ dân cái gì các đồng chí có dám công khai không?"
Phải công bằng với doanh nghiệp
Ngày 30/12, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị: “Triển khai nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2016”. Sau khi nghe lãnh đạo các sở ngành báo cáo về tình hình năm 2015 và kế hoạch năm 2016 Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng đã có phần phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Ông Võ Văn Thưởng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM. |
Đề cập đến môi trường đầu tư, ông Thưởng cho biết, năm 2014 lần đầu tiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM đã leo lên đứng thứ 4. Tuy nhiên trong đó có 3 điểm TP vẫn bị đánh giá dưới trung bình và có xu hướng giảm, đó là: Tính năng động trong điều hành của chính quyền; Chi phí tiếp cận thị trường cao; Chi phí phi chính thức.
“Nhiều khi họp hành vì tế nhị chúng ta không nêu ra những chuyện cụ thể, ít phê bình nhau, ít chỉ ra chỗ nào tốt, chỗ nào chưa tốt để cùng rút kinh nghiệm, nên đi họp về ai cũng có cảm giác là mình tốt" – ông Thưởng nhìn nhận vấn đề.
“Có một đơn vị gửi dự án gửi cho Ủy ban nhân dân TP (UB), UB giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xem xét, Sở xem xét xong lại đề nghị UB giao cho sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chủ trì lấy ý kiến của các sở ngành khác và báo cáo lại UB. Khi sở KHĐT lấy ý kiến thì các sở ngành đồng ý hết. Tuy nhiên sau đó sở KHĐT lại đề nghị đơn vị đó nghiên cứu để hoàn chỉnh dự án, nơi này cũng đề nghị UB giao cho sở TNMT chủ trì làm việc lại với các đơn vị và trình cho UB. Trong khi dự án người ta gửi không ai góp ý gì hết thì hoàn chỉnh cái gì? Tôi nói thiệt, đến tôi đọc tôi còn không hiểu. Cái này không phải lòng vòng thì là cái gì? Nó không phải là hành thì là cái gì? Nó không phải là hạn chế, kéo dài thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp thì là cái gì?” – ông Thưởng bức xúc nói.
Ngoài ra ông còn đưa thêm một điểm mà ông cho rằng cần khắc phục mạnh mẽ là: “Tính công bằng trong đối xử của chính quyền đối với các doanh nghiệp chưa cao”. Theo ông chính quyền đang xử lý không công bằng đối với doanh nghiệp và thậm chí “có phần nào đó không đàng hoàng”.
Ông Thưởng cho rằng: “Vừa rồi mình có thông báo một số doanh nghiệp nợ thuế trên trang web, tôi hoan nghênh việc này, như vậy là công bằng. Nhưng có câu chuyện thế này. Vậy nhà nước nợ người dân cái gì các đồng chí có dám công khai không? Thanh toán xây dựng cơ bản các đồng chí chậm bao nhiêu? Làm bao nhiêu thủ tục mới được thanh toán? Người dân gửi khiếu kiện khiếu nại các đồng chí công bố được không? Cái này cũng phải công bằng chứ!”.
"Nghe mà buồn các đồng chí ơi!"
Phát biểu về vấn đến cải cách, hoàn thiện thể chế và đóng góp của TP.HCM cho Trung ương, ông Thưởng cho rằng thể chế là để phục vụ cho phát triển, trong khi TP.HCM là trung tâm về nhiều mặt.
“Bởi vậy nếu chúng ta không đóng góp là không hoàn thành vai trò cũng như sự kỳ vọng của cả nước. Nhưng nếu để đóng góp thì chúng ta phải có xử lý phù hợp giữa sự vụ và nghiên cứu những vấn đề chung” – ông Thưởng nói.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính ông Thưởng cho biết hiện TP.HCM đang bị xếp ở mức dưới 20 so với các tỉnh trong cả nước.
“Ở khu vực phía Nam chúng ta thua Bình Dương, Đồng Nai, nói xin lỗi chứ ta thua cả một tỉnh ở rất xa là Hà Giang. Nghe mà buồn các đồng chí ơi!” – ông chia sẻ và chỉ đạo rằng: “Mình phải cải thiện ngay vấn đề này. Đâu phải chúng ta không có tiền? Không phải mình không có điều kiện và cũng không phải do… diễn biến hoà bình gì hết. Cái này do chúng ta thôi”.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Cái gì xã hội, người dân làm được thì để họ làm, quan điểm là cái gì xã hội, doanh nghiệp làm được thì nhà nước không làm. Chúng ta phải vừa động viên vừa khuyến khích họ. Có nhiều chuyện chúng ta ôm, ôm từ nhỏ tới lớn không được đâu!”.
“Trong thông tin tuyên truyền ta luôn đi sau. Chúng ta có hệ thống báo chí mạnh, có thể chủ động đưa tin, mỗi tuần họp Ban tuyên giáo đều phân công cho các Giám đốc sở trao đổi với báo chí về những vấn đề của ngành mình, tuy nhiên lại lúng túng và ngại gặp nên có những vấn đề đáng lý phải chủ động thì lại luôn đi theo sau”.
“Khi thực hiện các chương trình đột chúng ta phải làm sao để các sở ngành liên quan tham gia ngay từ đầu và rất tích cực. Tôi thấy đồng chí giám đốc sở Giao thông Vận tải gửi một văn bản xin ý kiến các đồng chí giám đốc sở khác và các quận huyện về chương trình giảm ngập nước để trình thành ủy. Vậy nhưng tới ngày cần có ý kiến thì không có nơi nào ý kiến hết, giống như chuyện ngập nước là của ông nào ấy chứ không phải của mình!”
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng