Ông Trần Quốc Vượng: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền
Ngày 2/7, Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dẫn đầu, đã làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Theo TTXVN, thời gian qua Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương sát với tình hình thực tế. Trong đó, các cấp ủy coi trọng giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, kỷ luật, kỷ cương, chống các hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch với nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, tỉnh đã rà soát, bổ sung, ban hành nhiều quy định về cán bộ và công tác cán bộ; hoàn thành việc rà soát, bổ sung, quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020, quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025.
Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 2 năm (2016-2017) đạt 3,14%; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng định hướng; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2017 đạt 49,8 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; năng lực cạnh tranh thấp; giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách Nhà nước phụ thuộc chủ yếu (khoảng 80%) vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng miền lớn. Cơ cấu lao động chuyển dịch chưa theo kịp với cơ cấu kinh tế; thiếu việc làm; cơ cấu lại nông nghiệp chậm...
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, góp phần cùng với cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Tỉnh chú trọng đổi mới và nâng cao hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp cao, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản...
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế đặc thù cho huyện Lý Sơn; Bộ Chính trị sớm ban hành Quy chế làm việc (mẫu) của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, không chồng chéo giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác, đại diện ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi phân tích các vấn đề nhằm làm rõ hơn về những thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế của Quảng Ngãi trong thời gian qua.
Phát biểu với các cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng: Từ sau Đại hội đến nay, với sự phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân, tỉnh Quảng Ngãi đã vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt một số nhiệm vụ về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chú ý đổi mới phương thức lãnh đạo theo từng năm. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có sự linh hoạt. Công tác lãnh đạo giữ được nguyên tắc theo quy chế làm việc; có sự đoàn kết thống nhất trong cán bộ, các tổ chức mặt trận, đoàn thể. Công tác cán bộ, tinh giản bộ máy biên chế đã có sự chuyển biến, chủ trương luân chuyển cán bộ trên 8 năm là rất phù hợp. Đặc biệt, kinh tế - xã hội của tỉnh có sự tăng trưởng khá, bình quân thu nhập trên đầu người tăng…
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý Tỉnh ủy Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo quy chế; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6; đánh giá đúng năng lực, lựa chọn đúng cán bộ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phải tận dụng, phát huy thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là tận dụng lợi thế Nhà máy lọc dầu Dung Quất để phát triển nội lực. Đồng thời, tỉnh kiên trì thực hiện nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch./.