Ông Trần Đăng Tuấn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội
Trên tài khoản Facebook cá nhân, ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ: "Tôi đã quyết định tự ứng cử Đại biểu Quốc hội vào những ngày cuối trước khi thời hạn đăng ký kết thúc. Đã kịp làm và nộp hồ sơ".
Ông Trần Đăng Tuấn quyết định ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 với mong muốn sẽ có nhiều điều kiện để làm những điều đúng, điều hữu ích cho cộng đồng hiệu quả hơn.
Ông Tuấn cũng chia sẻ thẳng thắn: "Tôi không quá thiếu thực tế. Kể cả nếu sau hiệp thương, tên tôi có trong danh sách để bầu, thì cơ hội trúng cử của tôi, một người tự ứng cử, khách quan mà nhìn nhận, là không nhiều. Dù vậy, tôi quyết định tự ứng cử, vì giờ đây tôi nghĩ rằng: Lấy lý do xác suất thành công quá nhỏ mà không làm điều gì đó cần làm, thường chỉ là cách biện hộ cho sự yếu đuối".
"Hướng đến mục tiêu trúng cử nhưng tôi để chuyện trúng hay không trúng cử thành áp lực. Tôi quyết định không bỏ qua cơ hội nhỏ làm những việc hữu ích lớn. Nếu cơ hội nhỏ đó không thành hiên thực, thì tôi sẽ vẫn luôn có những cơ hội lớn để làm các việc hữu ích nhỏ. Thiết nghĩ, cơ hội bao giờ cũng có, quan trọng là thái độ của chúng ta với các cơ hội mà thôi"- ông Trần Đăng Tuấn viết.
Ông Trần Đăng Tuấn được nhiều người biết đến không phải vì ông từng làm Phó Giám đốc đài Truyền hình Việt Nam mà là qua nhiều hoạt động từ thiện cho đồng bào miền núi. Ông đã góp phần xây trường, lo cho đời sống các trẻ em nghèo miền núi.
Quỹ "Cơm có thịt" do ông Trần Đăng Tuấn sáng lập đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng.
Ông Trần Đăng Tuấn khi tham gia một hoạt động vì trẻ em nghèo miền núi. |
Ngay khi ông Trần Đăng Tuấn đưa thông tin mình sẽ ứng cử đại biểu Quốc hội thì đã có hơn 14 nghìn tài khoản Facebook bày tỏ sự ủng hộ.
Ông Trần Đăng Tuấn sinh năm 1957, quên ở Nam Định. Ông là tiến sĩ chuyên ngành Truyền hình.
Ông Tuấn từng đảm nhiệm các vị trí như: Trưởng Ban Biên tập kênh giải trí VTV3, Trưởng Ban Thư ký Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Giám đốc Hãng phim truyền hình, Phó Tổng giám đốc VTV, Tổng giám đốc AVG - Truyền hình An Viên...
Trước đó, NSƯT Kim Tiến cũng được Hội thánh Tin lành Hà Nội đề cử ĐBQH khóa 14. Bà Kim Tiến là một trong những phát thanh viên đầu tiên của Ban thời sự VTV và cũng là một trong những người dẫn chương trình truyền hình đầu tiên kể từ khi VTV lên sóng.
Tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND năm 2016
Tính đến ngày bầu cử được công bố (22/5/2016), công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên, có đủ tiêu chuẩn tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 7 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương có quyền ứng cử lần này.
- Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-6-2015, quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của luật này”.
- Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội như sau:
Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
- Điều 7 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương như sau:
Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh,
kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.