Ông Nguyễn Xuân Anh: Không phá hỏng những cái thế hệ trước đã gầy dựng!
Đầu tư cảng Liên Chiểu là vấn đề cốt tử!
Tại phiên chất vấn sáng 11/8 kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho hay, một trong những nguyên nhân khiến thu hút vốn FDI vào địa bàn TP thấp là do chi phí vận chuyển mà cụ thể là chi phí vận chuyển qua cảng. Hiện nay chi phí vận chuyển từ cảng Đà Nẵng đến cảng gần nhất Yokohama (Nhật Bản) là 1.240USD cho một container 40 feet, trong khi đó chi phí từ TP.HCM chỉ 340USD, từ Hà Nội là 1.090USD.
Ông Nguyễn Xuân Anh: "Đà Nẵng không thu hút đầu tư bằng mọi giá!" (Ảnh: HC) |
Mới đây, Đà Nẵng đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 nhằm giảm chi phí vận chuyển. Hiện cảng Tiên Sa đã quá tải nên thời gian bốc xếp, chờ tàu... kéo dài làm tăng chi phí của các nhà đầu tư. Đồng thời Đà Nẵng chuẩn bị đầu tư cảng Liên Chiểu để phân luồng hàng hóa. Nếu chỉ tiếp tục khai thác cảng Tiên Sa sẽ gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến du lịch của TP.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các sở, ngành hữu quan tích cực tìm kiếm, làm việc với các nhà đầu tư và quan trọng nhất là tìm kiếm cơ chế chính sách để làm sao đầu tư xây dựng được cảng Liên Chiểu để đến năm 2020 giải phóng cảng Tiên Sa.
“Đây là vấn đề cốt tử, là nút thắt cổ chai, nếu Đà Nẵng không giải quyết sớm cảng Liên Chiểu thì cảng Tiên Sa phát triển đến giới hạn 11 – 12 triệu tấn/năm là bế tắc. Ách tắc giao thông, ách tắc phát triển sản xuất công nghiệp, phát triển dịch vụ logistics, phát triển dịch vụ kỹ thuật... Ách tắc hết. Và cán cân 65% - 35% giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp sẽ không hoàn thành, thậm chí công nghiệp có khi bị tụt xuống!” – ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Ông yêu cầu Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên, Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan phải “tập trung chiến đấu” cho nhiệm vụ này. Đồng thời ông cho biết, hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến cảng Liên Chiểu nhưng chưa tiện nêu tên.
Vấn đề quan trọng, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh thêm một lần nữa, là phải tìm được cơ chế đầu tư. Trong đó, lãnh đạo TP đang đề nghị với Bộ KH-ĐT về cơ chế PPP (hợp tác công – tư) có sự tham gia của vốn ODA, ngân sách TƯ, ngân sách TP và vốn của nhà đầu tư để “đưa du lịch về một phía, công nghiệp về một phía” cho TP thông thoáng và phát triển.
Không thu hút đầu tư với bằng mọi giá
Theo ông Trần Văn Sơn, trong thời gian vừa qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam hầu hết tập trung vào các ngành không phù hợp với Đà Nẵng, sử dụng nhiều lao động trình độ thấp như may mặc, lắp ráp các thiết bị nhỏ lẻ... hoặc một số ngành công nghiệp nặng có tác động lớn đến môi trường như sản xuất giấy, sắt thép, khai khoáng, lọc dầu... nên TP không thu hút các dự án này.
“Chúng ta hướng tới xây dựng TP môi trường nên việc thu hút đầu tư cũng phải có chọn lọc. Một bài học từ Hà Tĩnh là Formosa trước đây tăng trưởng tới 17,5%/năm, nhưng sau khi xảy ra sự cố môi trường thì trong 6 tháng đầu năm 2016 âm xuống 16%. Như vậy riêng vấn đề môi trường đã làm mất đi của Hà Tĩnh 30% GDP. Do vậy việc thu hút đầu tư gắn kết với bảo vệ môi trường là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm!” – ông Trần Văn Sơn nói.
Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nêu rõ: “Đà Nẵng khác với nhiều địa phương khác. Chúng ta không thu hút đầu tư với bằng mọi giá mà chỉ thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, CNTT... và các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao, không hủy hoại môi trường. Đầu tư vào phải đảm bảo môi trường du lịch, môi trường sống... Những đòi hỏi của chúng ta rất khắt khe nên không dễ thu hút các dự án lên tới vài tỉ USD!”.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, tận dụng cơ hội đăng cai APEC 2017, Đà Nẵng sẽ tập trung mời gọi các nhà đầu tư, nhưng “không phải cái gì vào đây cũng được”. Ông nói rõ: “Nếu đơn giản như thế thì tôi đảm bảo TP chắc chắn sẽ có những dự án lớn. Nếu chúng ta mở cửa thoải mái, ai muốn vào cứ vào. Sắt, thép, giấy... gì cũng được, dù ảnh hưởng đến môi trường, thì chắc chắn Đà Nẵng sẽ có dự án chứ không đến nỗi không có. Không đến nỗi Đà Nẵng tệ đến mức không ai quan tâm, không ai thèm đến. Nghĩ như thế là không đúng, không khách quan!”.
Cái khó trong việc thu hút vốn FDI của Đà Nẵng là phải vừa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, vừa phải đáp ứng đòi hỏi khắt khe của TP. Từ đó cho thấy việc thu hút vốn FDI của Đà Nẵng sẽ còn rất gian nan để đáp ứng được định hướng phát triển của TP. “Sống chết phải giữ cho được định hướng này, chứ không phải vì một, hai mục tiêu phải thế này, thế kia mà mình lại thả cửa, lại phá hỏng những cái mà các thế hệ đi trước đã gầy dựng!” – ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.