Ông Nguyễn Thiện Nhân nói gì về các ứng viên ĐBQH được hiệp thương lần thứ 3?
Phát biểu khai mạc Hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử Quốc hội khóa 14 sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngày 17/3, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ 197 người thuộc khối trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14. Sau Hội nghị hiệp thương, Ban Thường trực UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi Biên bản Hội nghị hiệp thương đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, từ tổng hợp Biên bản hiệp thương lần thứ hai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành báo cáo về việc tổng hợp kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.
Trên cơ sở đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.
"Đây là một trong những cơ sở cần thiết để, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba đối với bầu cử đại biểu Quốc hội", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân. |
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, bắt đầu từ ngày 13/4 đến ngày 17/4/2016 là thời điểm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. Vì vậy, để chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương này, trong suốt thời gian vừa qua, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã dành những nỗ lực rất lớn với mong muốn là góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN cho biết, ở Trung ương, ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi danh sách và tiểu sử tóm tắt của 197 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đến các địa phương để tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú nhận xét và biểu thị sự tín nhiệm đối với người ứng cử.
Từ ngày 22/3 đến ngày 12/4/2016, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã đã phối hợp với UBND cùng cấp nơi có người ứng cử cư trú để triệu tập và chủ trì việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cho 197 người được giới thiệu ứng cử tại 115 xã, phường, thị trấn thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hết ngày 11/4, 24 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử là người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và nộp biên bản về Trung ương.
Tính đến 10h ngày 12/4/2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được đầy đủ 197 Biên bản về việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với 197 người (khối các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương) được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bảo đảm đúng thời gian theo quy định của luật.
Đề cập đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN cho biết, ngày 10/4/2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành 3 văn bản gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Hội đồng bầu cử Quốc gia; gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; gửi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc đề nghị phối hợp, đảm bảo thông tin cần thiết, đầy đủ về người ứng cử làm cơ sở cho việc đánh giá về sự đáp ứng các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần bảo đảm việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba bảo đảm chất lượng, hiệu quả, theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, để góp phần bảo đảm tiến trình thực hiện các bước trong cuộc bầu cử được diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, đúng thời gian theo quy định, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 6 Đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Qua giám sát, ngoài việc nắm bắt, đánh giá tình hình kết quả đạt được, chỉ đạo địa phương những nội dung công việc cần thực hiện liên quan đến vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận trong cuộc bầu cử; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Hội đồng bầu cử Quốc gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương về những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với địa phương. Đồng thời, quan tâm, chú trọng đến việc phối hợp tiếp nhận, xử lý đơn thư phản ánh, tố cáo và những vụ việc do cử tri nêu.
"Từ sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến nay, trong vòng gần 1 tháng, khối lượng công việc rất nhiều, tính chất công việc cũng rất quan trọng, nhưng với tinh thần khẩn trương, tích cực, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương trong việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.