Ông Huỳnh Văn Nén vẫn còn 1 án oan?
Vào tháng 6, 7/1997 tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận xảy ra hai vụ cháy nhà lá (chòi lá), đêm 23/4/1998 nơi này tiếp tục xảy ra vụ án mạng mà nạn nhân là bà Lê Thị Bông. Sau khi điều tra Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam ông Huỳnh Văn Nén.
Ông Nén cho rằng mình đang còn chịu 1 án oan. |
Theo cơ quan điều tra vào tháng 6/1997, ông Nén đã từng đốt chiếc nhà lá của ông Trần Bổ, cũng trong tháng này ông Nén đã mua một bó nhang về cắm vào vách nhà lá khác của ông Trần Văn Thảo nhưng bị người nhà của ông này phát hiện.
Sau đó ông Nén bị VKS truy tố 3 tội (vụ án Vườn điều) là: “giết người”, “cướp tài sản” và “cố ý hủy hoại tài sản của công dân”. Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt ông Huỳnh Văn Nén phải chịu án tù chung thân về tội “giết người”; 3 năm tù về tội “cướp tài sản”; 2 năm tù về “tội cố ý hủy hoại tài sản công dân”. Tổng hình phạt ông Nén phải chịu là chung thân.
Ngày 3/12 trao đổi với báo chí về sự việc này ông Nén cho biết khi đó VKS truy tố ông tội “Hủy hoại tài sản công dân” là truy tố sai.
Ông cũng cho rằng ông Trần Bổ không hề làm đơn tố cáo mình về việc này. “Anh Trần Bổ có dự phiên tòa của tôi, khi đó anh ấy có nói: “Cái chòi của tôi là cái chòi rách, tôi để che nắng thôi, chứ cũng không che mưa được nữa. Vì vậy anh em chúng tôi đã thỏa thuận với nhau khi nào anh đốn lá xong em qua phụ giúp anh lợp lại là xong”. Chứ anh Bổ có làm đơn tố cáo nào đâu?” – ông Nén nói.
“Như vậy có phải truy tố oan không?” – ông Nén đặt câu hỏi.
Sở dĩ ông Nén đề cập đến chuyện này là vì đến nay Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng ông Nén không bị kết án oan trong tội “Hủy hoại tài sản công dân” (tội danh này chưa được hủy trên thực tế).
Do vậy ngày 3/12 vừa qua cơ quan này chỉ tổ chức xin lỗi ông trong hai vụ, là vụ “Vườn điều” và vụ bà Lê Thị Bông, từ đó thời gian phải đền bù cũng là 15 năm so với 17 năm (số tương đối) ông Nén bị giam giữ (ông Nén bị bắt giam ngày 17/5/1998, được tại ngoại ngày 22/11/2015, ngày 28/11/2015 được đình chỉ điều tra).
“Trường hợp này (ông Nén) đã phạm nhiều tội (đình chỉ tội “Giết người và Cướp tài sản” – trong vụ án Vườn điều) nên chỉ được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã chấp hành hình phạt vượt quá hình phạt đối với tội “Hủy hoại tài sản” mà ông Nén đã chấp hành” – Báo cáo kết quả điều tra vụ án của Công an tỉnh Bình Thuận viết.
Luật sư Phạm Công Út. |
Để tìm hiểu rõ hơn điều này PV Infonet đã trao đổi với luật sư Phạm Công Út – 1 trong 4 luật sư bào chữa cho ông Huỳnh Văn Nén, người đã tiếp cận hồ sơ vụ án.
Luật sư Út nói: “Các bút lục cho thấy: Vào khoảng tháng 6/1997, Huỳnh Văn Nén đến nhà ông Huỳnh Văn Trình thì gặp ông Trần Bổ và tổ chức uống rượu. Trong lúc uống, Nén và ông Bổ cãi nhau, ông Bổ cho rằng Nén hồ đồ và bỏ đi về nhà. Ông Nén rất tức giận nên khoảng 24g cùng ngày, ông Nén đến nhà ông Bổ và thấy ông đang ngủ trong nhà, ông Nén bật quẹt ga châm lửa vào vách lá buông, khi lửa bốc cháy, ông Nén bỏ chạy về nhà ông Trình trốn. Toàn bộ thiệt hại khoảng 1 triệu đồng, ông Bổ yêu cầu ông Nén bồi thường”.
Theo lời người bị hại hiện nay, trước nay ông không yêu cầu khởi tố ông Nén vì đây chỉ là căn chòi lá trong rẫy chứ không phải căn nhà. Trong khi tại vụ việc của ông Thảo thì ông cho rằng tổng thiệt hại là 500 ngàn đồng (2 vụ là 1,5 triệu đồng).
Cũng theo luật sư Út thì điều 160, bộ Luật Hình sự năm 1985 quy định tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân không quy định giá trị tài sản bị thiệt hại, nên hành vi của ông Nén đã cấu thành tội phạm vào tội này.
Tuy nhiên bởi vụ án này được đưa ra xét xử vào năm 2000, do đó phải áp dụng bộ Luật Hình sự năm 1999. Trong đó, điều 143 quy định chỉ bị khởi tố tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản khi tài sản bị hủy hoại phải có giá trị từ 2.000.000đ trở lên.
“Tại Nghị quyết số 32 ngày 21/12/1999 có quy định (tại Khoản 2) nêu: Kể từ ngày 1/7/2000 Bộ luật hình sự được áp dụng như sau: “Các điều luật, quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 00 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2000 mà sau thời điểm đó mới xét xử. Như vậy, nếu tài sản thiệt hại chỉ 1 triệu đồng (hoặc 1,5 triệu nếu cộng cả vụ của ông Thảo) thì ông Nén sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại thời điểm xét xử, hoặc thi hành án (trong trường hợp ông Nén không kháng cáo)” – luật sư Út nói.
Luật sư Út cho rằng việc tòa án tỉnh Bình Thuận đã xét xử chưa đúng quy định của pháp luật có thể do thời điểm giao thoa việc áp dụng giữa luật cũ và luật mới nên họ sơ suất chứ không cố ý ra bản án trái pháp luật. Tuy nhiên, hậu quả ngày nay là thời hạn bị giam oan của ông Nén được đền bù có thể phải trừ đi 2 năm tù "oan" về tội hủy hoại tài sản này.
Ông Nén cho biết đã nhờ các luật sư làm việc để các cơ quan tố tụng xem xét lại vụ án này.