Ông Dương Trung Quốc: Trách nhiệm không gắn với quyền lợi thì "hòa cả làng"!
Chính phủ mới vừa ra mắt với 27 thành viên. Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ĐBQH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, muốn bộ máy Chính phủ có chuyển biến thì chính những con người trong bộ máy đó phải thay đổi.
Mới nhưng phải biết kế thừa!
- Thưa ông, Chính phủ mới đã được kiện toàn bộ máy với 27 thành viên, trong đó có nhiều thành viên trẻ. Đây là bước đệm để tạo ra bộ máy Chính phủ mới với nhiều sinh khí mới, thưa ông?
Tôi cho rằng, thành viên Chính phủ là người trẻ tuổi có cả hai mặt. Một mặt, họ có năng lực và khả năng vươn lên những cái mới. Nhưng mặt khác, trẻ thì cũng có thể kinh nghiệm tích luỹ chưa nhiều, ai cũng vậy. Nói vậy, nhưng chúng ta phải tạo ra cơ chế luôn được trẻ hoá, có tính kế thừa. Yếu tố mới sẽ tốt hơn nếu biết kế thừa những cái cũ, kể cả thành công hay không.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) |
Các thành viên Chính phủ mới đều là những người được đào tạo bài bản, tôi tin họ có nguồn lực mạnh mẽ khi bước vào trách nhiệm mới.
Song, chúng ta cũng cần sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, nếu không sẽ không bao giờ đòi hỏi được ở họ sự đổi mới mạnh mẽ.
- Trong danh sách bộ máy Chính phủ mới vừa được kiện toàn, ông ấn tượng nhất với thành viên nào?
Đây là điều tế nhị, vì thế cho phép tôi không trả lời.
- Ông có gửi gắm gì vào bộ máy Chính phủ mới?
Chính phủ là cơ quan hành pháp nhưng rõ ràng chỉ thực hiện được quyền và chức năng của mình trên nền tảng bộ máy trong sạch, minh bạch. Con người ở cơ quan hành pháp trực tiếp tiếp xúc với người dân nên Chính phủ mới phải cải tổ, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế ... nhưng phải tìm ra được phương thức hợp lý để tinh giản.
Chúng ta cứ nói, cứ lên án tình trạng lãng phí, tham nhũng ở địa phương, nhưng nói thật, với mức lương bổng như hiện tại không tiêu cực mới lạ. Thực tế là vậy mà chúng ta cứ giả đò không công nhận điều này thì không thể giải quyết được tồn tại.
Tâm thức "hoà cả làng"
- Trước đây khi vừa nhậm chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói rằng, “là tư lệnh ngành phải cho tôi toàn quyền quyết định”. Theo ông, có nên trao nhiều quyền hơn nữa cho các tư lệnh ngành và gắn liền đó là trách nhiệm?
Quyền rất cần, nhưng trách nhiệm rất cao. Hiện nay chúng ta vẫn tâm thức "hoà cả làng”, không ai chịu trách nhiệm về hậu quả nếu có. Nhưng muốn làm thì phải có quyền, mà quyền đi đôi với trách nhiệm, quyền càng cao trách nhiệm càng nặng.
Ngày xưa quản lý đất nước, khi họ làm đường dây thép qua làng, đo đường dây thép dài bao nhiêu, tính ra rằng nếu làng này quản lý tốt dây thép trong 1 năm thì miễn bao nhiêu tiền thuế, miễn bao nhiêu công đi phu,... đó là trách nhiệm, nghĩa vụ với nhà nước. Nhưng có việc xảy ra thì ông Lý trưởng sẽ “hành” ông cấp dưới của mình, phạt tới nơi tới chốn...
Giờ thì tôi rất ngạc nhiên, có những chuyện xảy ra cách xử lý đang bị phức tạp hoá. Đơn cử như chuyện ném đá vào xe lưu thông trên con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, nhưng lại đổ cho doanh nghiệp quản lý, trong khi đó chính quyền địa phương thì lại vô can. Đây là điều vô lý!
Chúng ta chưa bao giờ có một bộ máy lớn như hiện nay mà cứ coi như tình trạng vô chính phủ. Vì thế, khắc phục tình trạng này là vô cùng quan trọng. Nghĩa là, phải xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai và “truy” người đó. Lâu nay chúng ta hay nói tới trách nhiệm tập thể. Khắc phục được “trách nhiệm tập thể”, mới vận hành trơn tru được bộ máy. Mà trách nhiệm cũng phải gắn liền với quyền lợi, nếu không sẽ “hoà cả làng”.
- Vậy, với những trưởng ngành, lãnh đạo không hoàn thành trách nhiệm thì có nên từ chức?
Từ chức hay miễn nhiệm là điều chúng ta mong muốn từ lâu nhưng không ai làm. Theo tôi, với những trưởng ngành, lãnh đạo không hoàn thành trách nhiệm thì phải bãi nhiệm. Tiếc là điều này rất hiếm trong xã hội chúng ta, trừ khi ra toà.
- Bộ máy Chính phủ mới đã được kiện toàn theo hướng Chính phủ kiến tạo, phục vụ dân, vì dân.... Ông có nhận xét gì về xu hướng này?
Đây là xu hướng chung và bản chất của tiến trình dân chủ, nhưng thực hiện không đơn giản. Khi những mối quan hệ xin – cho đang là vấn đề tồn tại lớn trong xã hội thì sự dịch chuyển từ chính quyền công vụ sang chính quyền dịch vụ là cả chặng đường dài. Thêm nữa, để chuyển dịch bộ máy sang “dịch vụ” thì chính những con người trong bộ máy đó phải thay đổi, việc này không hề đơn giản.
Nói vậy, chúng ta phải kiên quyết thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách bộ máy, giải quyết trực tiếp mối quan hệ người dân và chính quyền.... tổ chức bộ máy theo hướng chính quyền địa phương, phân cấp cho địa phương chứ không phải cái gì Chính phủ cũng “ôm” hết.