Ông Dương Trung Quốc: Nếu chúng ta lùi một bước, họ sẽ tiến nhiều bước
ĐBQH - Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh Nguyễn Dũng) |
Tại các phiên làm việc ở Myanmar, Philippines, Thủ thướng Chính phủ luôn thu hút sự chú ý ở trong nước và trên thế giới với những bài phát biểu mạnh mẽ về tình hình Biển Đông.
Một trong những thông điệp rất mạnh mẽ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong một cuộc họp báo quốc tế khi tham dự Hội nghị WEF Đông Á là: "Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Trao đổi với phóng viên xoay quanh những thông điệp của người đứng đầu chính phủ, ĐBQH Dương Trung Quốc nhận định: “Những ý kiến của Thủ tướng ở Mianma và lần này tại Manila là ăn nhịp với thực tiễn ở Biển Đông”.
“Trong thời gian dài chúng ta rất trọng tình hòa hiếu. Giữ được hòa hiếu cũng là giữ được môi trường ổn định để phát triển”. Ông Quốc nói và đưa ra nhận định, mức độ phát biểu của Thủ tướng cũng phản ảnh thay đổi nhịp độ diễn biến rất phức tạp ngoài Biển Đông.
Đương nhiên quốc gia nào cũng muốn nói đế chủ quyền của mình nhưng theo ĐBQH, chúng ta phải đặt trên nền tảng gì? Nền tảng những bằng chứng, không chỉ bằng chứng lịch sử ở quá khứ mà bằng chứng là những cam kết, những quy định chung của luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông.
“Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta chấp nhận một thực tiễn như thế thì rõ ràng nền hòa bình được xây dựng một cách vững chắc trên trách nhiệm của tất cả các quốc gia có liên quan.
“Hơn thế nữa Thủ tướng cũng nói rõ đây không phải là việc riêng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì không gian Biển Đông rất quan trọng đối với khu vực này và cả thế giới”.
Ông Dương Trung Quốc phân tích, vai trò quan trọng trước hết là sự an toàn của giao thông đi lại trên biển. Đồng thời nếu chúng ta “lùi một bước thì họ sẽ tiến thêm nhiều bước và chắc thế giới cũng phải lùi theo. Vậy sau Việt Nam thì đến nước nào?
“Chúng ta muốn nói để cho mọi người biết rằng, chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất muốn nhân nhượng nhưng nhân nhượng nó phải có giới hạn của nó. Khu vực Đông Nam Á và thế giới phải quan tâm đến để không những tạo ra hình thái ổn định ở khu vực mà nó còn bảo vệ những nguyên lý, những cơ sở luật pháp mà nó điều chỉnh toàn bộ hoạt động thế giới chúng ta trong bối cảnh hiện nay.
“Phải nghe phát biểu của Thủ tướng trong tiến trình những diễn biến tại Biển Đông và rõ ràng cho tới thời điểm này Trung Quốc không hề nhân nhượng” – ông Quốc nói.
Đồng tình với việc đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế, song theo ĐB Dương Trung Quốc, điều này cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm kiến thức luật pháp. “Đôi khi, chiến thắng chưa chắc đã thuộc về người đúng. Do vậy, sự thận trọng là cần thiết” – ĐBQH Dương Trung Quốc nhìn nhận.
“Kết quả phán xét của tòa án hay của một cơ quan trọng tài nào đó thì tùy thuộc vào tình hình thực tế. Nhưng đầu tiên chúng ta phải thể hiện tính minh bạch, chúng ta không e ngại sự minh bạch vì chúng ta có những lẽ phải”.
Thủ tướng cũng nói đến những vấn đề mà lịch sử đã chứng minh cho đến nay chúng ta trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu phân tích kỹ hầu như tất cả những cuộc chiến tranh ấy đều không phải do chúng ta khơi mào, mà chúng ta chỉ giữ một nguyên lý là độc lập và thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng các quốc gia khác.