Ông Đinh La Thăng: Không thể đo đếm chất xám bằng đếm số chữ, trang giấy!
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăngtrong buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật TP.HCMngày 13/6. |
Phải sòng phẳng với các nhà khoa học
Đề cập đến việc phản biện các công trình, dự án, GS. Nguyễn Ngọc Giao – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật TP.HCM cho rằng không nên duy trì việc phản biện nội bộ tại các sở như hiện nay, vì cách làm này buộc nhiều đơn vị phản biện dưới quyền Giám đốc Sở phải ủng hộ dự án.
“Thành phố cần quy định một công trình có số vốn bao nhiêu, ảnh hưởng đến bao nhiêu người thì buộc phải phản biện độc lập” – ông Giao nói và nhấn mạnh rằng nhà nước hãy thể chế hóa việc này vì hiện nhiều chủ đầu tư “không mặn mà”.
Trong khi đó PGS. Phan Minh Tâm – Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật TP.HCM thì cho rằng mức phí phản biện hiện nay không phù hợp bởi tính số trang giấy. Theo ông, cần tính theo chất lượng công trình cần phản biện.
“Phải tính sòng phẳng với các nhà khoa học theo kinh tế thị trường” – ông nói và đề nghị TP “đặt hàng” nhiều hơn và cần phản biện dự án khi bắt đầu thành lập chứ không phải từ khi được duyệt.
Trước những ý kiến trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết mình “đồng ý rằng không thể đo đếm chất xám bằng cách đếm số chữ, trang giấy”, từ đó ông đề nghị các nhà khoa học cùng với Sở Khoa học - Công nghệ cần làm việc để đánh giá lại tiêu chí này.
Trả lời thêm về vấn đề kinh phí nghiên cứu, đại diện Sở Khoa học - Công nghệ cũng đồng ý rằng quy định cấp cho mỗi dự án hiện nay chỉ 60 đến 80 triệu là quá ít và cho biết tới đây sẽ làm việc với Sở Tài chính để Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật TP.HCM được tự chủ kinh phí đưa về.
Lo lắng cho “quả bom” Dầu Tiếng
Đây là trăn trở của TSKH. Nguyễn Ân Miên – Chủ tịch Hội khoa học Kỹ thuật thủy lợi TP.HCM tại buổi làm việc. Ông coi hồ Dầu Tiếng (thuộc tỉnh Tây Ninh) là một quả bom nước với sức chứa khoảng 1,5 tỷ m3 nước và nếu có sự cố thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Ông Miên cũng đưa ra những thắc mắc về thủ tục chuyển giao công nghệ hiện nay. Ông đưa ra ví dụ về việc một vị tiến sĩ chiết xuất được tinh dầu từ lá trầu không và có thể ứng dụng trong chữa bệnh nhưng chưa được thương mại hóa vì vướng thủ tục.
Đề cập đến vấn đề an toàn thực phẩm, GS. Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng cần phải coi đây là "quốc nạn". Theo ông 2 trong số những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng này là các nhà sản xuất thiếu trách nhiệm và phụ gia thực phẩm được nhập tràn lan trong khi nguồn gốc không rõ ràng.
Trả lời về vấn đề hồ Dầu Tiếng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết đây là việc mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. “Hàng năm TP đều làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có báo cáo gửi Thủ tướng” – ông Liêm nói.
Ông Liêm cho biết mình và Bí thư Thành ủy đã trực tiếp tới thị sát hồ Dầu Tiếng để làm việc với các lực lượng chức năng và hoạch định các phương án xử lý. Ông Liêm khẳng định hồ Dầu tiếng phải tuyệt đối an toàn.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng tới đây TP sẽ bước vào một thời kỳ phát triển mới, do đó rất cần những đóng góp, hiến kế của các nhà khoa học.
“TP sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các vị với tinh thần cầu hiền, cầu thị và tạo điều kiện để các vị cống hiến” – ông Thăng nói.
Ông Thăng cũng cho rằng cần phải đổi mới mạnh cơ chế tài chính để tạo điều kiện cho các cá nhân làm việc. Đó là một trong những cách để huy động được các nguồn lực trí thức nhằm đưa TP trở thành trung tâm khoa học kỹ thuật của cả nước và khu vực.
Về cơ chế thưởng cho các công trình nghiên cứu, ông Thăng nhận định, việc nhà nước quy định 15 triệu nhưng khi tiến hành xã hội hóa có thể nâng lên đến 500 triệu hoặc hơn, tùy thuộc vào hiệu quả mang lại chứ không nhất thiết phải áp dụng máy móc.
Ông Thăng cũng chia sẻ rằng TP rất coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm và đang từng bước kiểm soát các mối nguy hại để dần loại bỏ thực phẩm bẩn khỏi bữa ăn của người dân.