Nữ sĩ quan mũ nồi xanh: Trở thành nông dân ở lục địa đen
Tôi cứ nghĩ ở độ tuổi gần 50, đặc biệt với phụ nữ, người ta sẽ lựa chọn sự an toàn, ổn định. Nhưng khi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Liên, nữ Trung tá đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Cộng hòa Trung Phi, tôi đã phải thay đổi suy nghĩ. Cách nói chuyện cùng với phong thái của chị khiến người đối diện cảm nhận được sự mạnh mẽ, quyết đoán toát ra từ một cựu giảng viên trường sĩ quan đặc công.
Như đoán được những băn khoăn của chúng tôi, chị Liên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách giải thích lý do chị quyết định thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cả công việc mà chị đã yêu và gắn bó mấy chục năm trời.
“Mình phải làm một việc gì đó để cô con gái cũng đang tiếp bước mẹ theo đường binh nghiệp, có thể toàn tâm gắn bó với lựa chọn của mình. Tôi nói với cháu, một khi chọn con đường này, con phải có trách nhiệm với lựa chọn đó. Xác định làm việc trong quân đội không hề nhẹ nhàng, êm ả, từ lúc đi học đến khi đi làm, những yêu cầu, quy định đối với người lính được đặt lên rất cao, thậm chí hà khắc. Nên nếu vượt qua được con sẽ thành công. Rất may cháu đã cho tôi thấy được quyết tâm của mình: Người ta làm được, con cũng làm được”, chị Liên chia sẻ.
Trong những lúc trò chuyện, chúng tôi luôn cảm nhận được ở chị tinh thần tích cực. “Việc mình nhận nhiệm vụ sang Cộng hòa Trung Phi là muốn để cô con gái tiếp tục tự hào về mẹ. Đặc biệt, khi nghe Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ những khó khăn của phụ nữ khi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ, mình lại càng muốn tìm hiểu thêm những tiêu chí, thủ tục cần thiết để có thể trở thành lính mũ nồi xanh. Tự nhận thấy mình hoàn toàn có thể phù hợp với những yêu cầu để được tham gia, mình quả quyết với Cục trưởng: em đã sẵn sàng”, nữ Trung tá nhớ lại.
Chị tâm sự, với người lính làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, được tiếp cận với những đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đó là một cơ hội lớn. Tuy mới sang CH Trung Phi được khoảng nửa năm nhưng đã mang đến cho chị quá nhiều trải nghiệm. Chị được sử dụng linh hoạt tất cả các yếu tố, từ cách thức tổ chức cũng như tự thiết lập lộ trình, những việc mà ở Việt Nam chị chưa bao giờ tự làm.
“Ngay khi biết hồ sơ của mình được chấp nhận, tôi đã xác định phải làm tốt để xây dựng được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trên đất nước Trung Phi. Trước khi vào “trận địa”, tôi lên mạng tìm hiểu, rồi thông qua những cán bộ đã đi trước để có thông tin về đất nước, con người, khí hậu, thổ nhưỡng, kể cả mức độ an toàn, điều kiện cơ sở vật chất. Một điều duy nhất khiến tôi băn khoăn là số người Việt ở CH Trung Phi quá ít nên gần như mỗi sĩ quan Việt Nam sẽ phải “đơn thương độc mã” nếu muốn làm một việc gì đó”- chị Liên chia sẻ.
Từng làm công tác giảng dạy trong một thời gian dài ở trường Sĩ quan đặc công, tuy nhiên khi tiếp nhận công việc của Liên Hợp Quốc (UN), chị Liên lại bắt nhịp khá nhanh, thậm chí kết quả công việc chị làm còn vượt xa mức kỳ vọng của UN. Cách chị xây dựng đường hướng, quy trình làm việc khiến cho các thành viên trong đội nhóm (đến từ nhiều quốc gia khác nhau - PV) có hứng thú làm việc, gần gũi và phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, hiệu quả.
Chị Liên bắt đầu nhiệm kỳ 1 năm của mình tại CH Trung Phi từ tháng 6/2019 với nhiệm vụ của một sĩ quan tham mưu đào tạo tại Phái bộ Giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. Hàng ngày, Trung tá Liên cũng phải lên lớp, nhưng khác với ở nhà, học viên bên này là người nước ngoài, đặc biệt có những học viên được coi là “leader – lãnh đạo”, thậm chí cả tướng, cũng phải qua lớp đào tạo, vì thế đòi hỏi chị phải chuẩn bị rất kỹ càng. Chị Liên còn nhớ có một buổi lên lớp, sau khi chị kết thúc bài giảng, vị học viên đeo hàm tướng ở Phái bộ, bất ngờ đứng lên tiếp tục bổ sung thêm thông tin cho bài giảng của chị.
“Lúc đó, tôi có cảm giác như được tiếp thêm năng lượng. Học viên hứng khởi, thấy được hiệu quả, họ mới nhiệt tình đến vậy”- chị Liên nhớ lại.
Ngoài công việc chính, sau một ngày làm việc, Trung tá Nguyễn Thị Liên thường dành thời gian quan tâm, chia sẻ với những người dân bản địa. Chị Liên tâm niệm: “Người lính làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đồng nghĩa với việc phải mang đến cho người dân niềm vui, nụ cười, là bát cơm, manh áo. Từ đó mình chỉ luôn nghĩ về những việc trong khả năng có thể làm để giúp họ nâng cao giá trị đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Rồi chị Liên bắt tay thực hiện quyết định của mình. Ở khu vực chị công tác, người dân suy nghĩ không sâu xa, phải nhìn tận mắt, cái gì đẹp thì bảo là đẹp. Vì thế, kế hoạch bước đầu là chị làm một mảnh vườn thật đẹp, không chỉ phục vụ cho bản thân mà quan trọng hơn để làm mẫu cho các bạn nhìn thấy. Sau 1 tháng, mảnh vườn với các loại rau cải, dền, mồng tơi, rau muống, sả mọc lên xanh tốt đúng như mong muốn của chị. Rồi chị bắt đầu tiếp cận làm quen với người dân, cho họ xem ảnh chụp vườn rau, họ thích loại nào chị giúp họ trồng loại đó.
Chị Liên “tiết lộ”: “Không phải cứ nói giúp là giúp, mà phải có cách để các bạn nhanh chóng được nhìn thấy thành quả. Ngày đầu tiên tới giúp bạn xới đất làm vườn, mình phải “hy sinh” cả đám rau muống ở mảnh vườn của mình mang sang trồng vào vườn của bạn. Giữa các cây rau đã lên xanh, mình dặm thêm hạt giống để đảm bảo vườn rau của bạn luôn có sự sinh sôi, nảy nở”.
Với cách làm như vậy, trong tháng đầu tiên sang Trung Phi, chị Liên giúp cho 5 nhà dân trồng được vườn rau muống, bầu, đỗ. Người dân đã biết cách trồng rau, chị Liên bắt tay vào bước thứ 2 của “kế hoạch” đó là giúp bạn nâng cấp chất lượng bữa ăn.
Lương thực chủ yếu của người dân Trung Phi là sắn và chị đã quá quen với những loại bánh được chế biến từ sắn. Vậy là chị và các đồng đội quyết định thay đổi. Với số đậu đỗ mang theo, chị Liên tìm cách học hỏi, từ gieo trồng đến chăm sóc và thu hoạch. Từ một bãi cỏ, chị Liên phải lật hết cỏ lên để làm đất. Trong khi cỏ lên còn nhanh hơn đậu vì thế ở vườn đậu đầu tiên, chị Liên khá vất vả, phải thường xuyên nhặt cỏ. Hết được cỏ, các cây đậu mọc lên rất nhanh. Không phụ công của chị, hạt đậu gieo xuống đất, rồi nảy mầm, lớn lên từng ngày, mỗi tuần mỗi khác. Mùa đậu đầu tiên chị Liên thành công mỹ mãn, chỉ 2 tháng sau khi gieo, chị Liên đã được thu hoạch, cả đậu xanh lẫn đậu đen.
Rồi chị Liên gom lại bằng một “quy trình” để các bạn có thể làm ra những chiếc bánh sắn có nhân đỗ ngon miệng. Từ cách thức trồng đỗ, cách dùng chai để nghiền đỗ, ngâm nước nóng để tách vỏ, đồ hạt đỗ cho chín, sau đó nặn làm nhân bánh. Còn bột sắn phải được hòa vào nước nóng thành hỗn hợp bột dẻo, sau đó đem nặn, rồi cho nhân đỗ vào trong. Cuối cùng là công đoạn hấp hoặc rán.
Không chỉ làm bánh, chị Liên còn chỉ cho các bạn nấu chè từ đỗ xanh, đỗ đen để giải khát. Trong lúc hướng dẫn, chị luôn chỉ cho bạn cách để trở thành “ông chủ” trên chính mảnh vườn của mình. Chị Liên chỉ cho bạn thấy rằng, bạn có rất nhiều đất, nếu chăm chỉ, bạn có rất nhiều đỗ, lượng đỗ ấy, bạn có thể giới thiệu, sau đó bán lại cho người khác trồng với điều kiện phải mời người ta đi thăm quan vườn trồng, giúp họ trồng được những mảnh vườn như thế.
Trong số các “học trò”, chị Liên thực sự ấn tượng với chàng trai Aubin Pamphai. Chị Liên kể, không chỉ hiểu và thực hành rất tốt mà cậu ấy còn nuôi mơ ước để trở thành ông chủ. Mỗi vụ thu hoạch, Aubin cất đi để trồng tiếp chứ nhất định không cho ai. Một người em của Aubin từng được ăn chè, muốn xin ít đỗ về nấu, cũng không được. Aubin vẫn đang chuẩn bị đất để tiếp tục trồng đỗ.
Thực ra, chị không đào tạo dàn trải, mà phải chọn người để hướng dẫn. Với những người bình thường, chị chỉ giúp họ trồng rau nhưng với những người có “tiềm năng”, chị mới hướng dẫn trồng đậu. Bởi theo chị, chỉ họ mới có đủ đam mê, động lực để có thể trở thành “ông chủ” và lan truyền những mong muốn tích cực đó đến với những người khác.
Ngưỡng mộ, tự hào với những việc làm của chị, nhiều bạn bè trên Facebook, có người ở Hà Nội, có người ở Bắc Ninh, thậm chí có bạn từ Bình Định, từ Nha Trang cũng gửi hàng ủng hộ với mong muốn chị Liên sẽ trở thành bà “tổ nghề” trên đất Trung Phi. Sau đợt phép này quay trở lại Trung Phi, chị Liên sẽ thử nghiệm trồng lúa.
Gặp chị đúng vào những ngày cuối cùng của chuyến về phép, chị bảo, đáng lẽ chị sẽ để dành chuyến phép này cho dịp Tết Nguyên đán tới, nhưng vì có chuyện đột xuất, mẹ chồng chị đang nằm viện điều trị K phổi đã di căn lên não, nên chị quyết định dành chuyến phép này về chăm sóc mẹ.
Chị chia sẻ, chị và đồng đội lên đường sang Cộng hòa Trung Phi được 1 tháng thì hay tin mẹ chồng ở nhà bị ung thư phổi đã di căn lên não. Nguy hiểm hơn, cứ cắt khối u này lại có khối u khác mọc lên.
“Nói không lo lắng, sốt ruột là không đúng, bởi vừa chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ ở nơi mình chưa từng đến, làm một công việc chưa bao giờ làm. Nhưng khi bình tĩnh, định thần lại, mình tự nhủ không chỉ ngồi lo lắng mà không làm gì, không được để cho những khó khăn làm cho bản thân sao lãng, xáo trộn”, chị Liên thừa nhận.
Một mặt vẫn bắt tay vào công việc, một mặt vẫn thường xuyên liên lạc, “chỉ đạo” người nhà từng bước phải làm. Câu nói mà chị luôn dặn người nhà “dù có làm gì thì cũng phải suy nghĩ một cách tích cực”. Theo chị, đó mới là điều quan trọng. Ngay chuyện có nên nói cho bà rõ về bệnh tình hay không, người nhà e ngại, nhưng chị lại thẳng thắn đề nghị không nên giấu. Nên để cho bà biết rõ tình trạng của mình để có sự chuẩn bị tâm lý. Việc của con cái là thuyết phục để bà có một tư tưởng thật thoải mái khi đón nhận bệnh tình, để nếu lỡ có lìa xa cuộc sống thì cũng để bà ra đi với một tinh thần thoải mái.
“Nắm được thông tin ở nhà, bà nằm viện lâu ngày mà bệnh lại nặng, nên nếu không về đợt này có thể sẽ không còn cơ hội chăm sóc cho bà nên mình quyết định dành đợt phép này để về chăm mẹ chồng. Để sau này nếu có chuyện gì, lỡ mình không gặp được chắc bà cũng thông cảm, không trách con dâu”, chị Liên chia sẻ.
Gần 1 tháng về phép là chừng ấy thời gian chị ở bên mẹ chồng. Những lúc chỉ có hai mẹ con, chị Liên chỉ biết động viên bà suy nghĩ tích cực, chịu khó ăn uống, đợi con dâu hoàn thành nhiệm vụ trở về.
“Bệnh tình bà nặng như thế không ai có thể nói trước được điều gì, mình chỉ tâm niệm một điều đó là được làm những việc có ý nghĩa, có một khoảng thời gian ý nghĩa ở bên bà, thì 1 ngày hay 5 ngày cũng đều giá trị như nhau.