"Nông nghiệp ở nước ta đang có những quy trình... ngược”
Thưa ông, thời gian vừa rồi có nhiều đơn vị đã bán hàng theo hướng “từ thiện” giúp nông dân như bán dưa hấu, hành tím… khi họ bị ế hoặc khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ông đánh giá sao về việc đó?
Tôi cho rằng kinh tế thị trường không nên làm như vậy. Tôi hoan nghênh những tổ chức trong lúc nông dân khó khăn đã làm thiện nguyện nhưng đứng về mặt chính sách thị trường thì làm như vậy rõ ràng là không ổn.
Có ý kiến cho rằng, việc bán hàng theo kiểu từ thiện như thế, vô tình tác động xấu đến nền kinh tế. Ông có nghĩ như vậy không?
Theo tôi không nên nghĩ là có hại bởi đó là thiện chí của các tổ chức, cá nhân. Trong việc này, có những cái là biện pháp lâu dài nhưng có cái là tức thời. Trong bối cảnh người nông dân đang gặp hoạn nạn thì họ giúp đỡ, đó là tấm lòng của họ.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch |
Tuy nhiên, Đoàn Thanh niên thì không thể suốt ngày đi bán dưa. Thời điểm đó nên như vậy nhưng không nên phát động và tổ chức những phong trào như vậy trong thời gian tiếp theo.
Theo ông, để giải quyết được tình trạng ế thừa sản phẩm nông nghiệp như vậy thì cần có những biện pháp gì?
Tôi nghĩ, thứ nhất là Chính phủ phải xem xét lại việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chăn nuôi. Chính phủ cần có khuyến cáo và dự báo tốt cho nông dân chứ không để việc nuôi trồng theo hướng tự phát bởi không phải tín hiệu thị trường nào cũng đáng tin cậy. Việc dự đoán phải tốt để không sản xuất dư thừa.
Bên cạnh đó, cần tổ chức một hệ thống bảo hiểm cho nông dân. Nếu ngành công nghiệp chỉ chịu một loại rủi ro là giá cả thì người nông dân phải chịu 2 loại rủi ro đó là thị trường và thời tiết. Ở nhiều nước trên thế giới, họ rất mạnh dạn trong công tác bảo hiểm cho người nông dân. Nếu họ thấy dư thừa, họ có thể trả tiền cho người dân và bỏ hoang diện tích đã sản xuất thừa. Các thông tin khuyến nghị cũng cần làm rõ.
Tôi thấy vấn đề nông nghiệp ở nước ta đang có những quy trình “ngược”. Như đối với sản xuất lúa, hiện đang có trợ cấp cho các hộ sản xuất diện tích nhỏ. Theo tôi, về lúa gạo chỉ nên duy trì quy mô lớn, các vùng chuyên canh, còn diện tích nhỏ cho họ trồng gì cũng được miễn có lợi cho họ
Thứ 3 là giải quyết cần tổ chức mạng phân phối, sản phẩm nông nghiệp phải có quy trình từ sản xuất, rồi xây dựng kho chứa thế nào, việc bảo quản sản phẩm ra sao…
Bên cạnh đó thì cũng cần bớt đi những trao đổi mang tính tiểu ngạch giữa dân cư hai bên biên giới. Việc này có thể gây ra những rủi ro cho các sản phẩm nông nghiệp .
Xin trân trọng cảm ơn ông!