Những vấn đề gì được đưa ra trưng cầu ý dân?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật trưng cầu ý dân chiều 25/2 (Ảnh chụp qua màn hình) |
Chiều 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận lần đầu về Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia chủ trì soạn thảo.
Đề cập đến dự thảo luật này, Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, trên thế giới nhiều nước những vấn đề có tranh luận, hay liên quan tới chủ quyền, an ninh quốc gia thì phải xin ý kiến, trưng cầu ý dân. Đối với chúng ta cũng phải đưa ra điều kiện cụ thể, có nên lấy ý kiến tất tần tật không, hay có phạm vi? Theo bà Mai, cần đưa ra một vài lĩnh vực không nên đưa ra trưng cầu ý dân.
Xác định đây là Luật quan trọng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng không thể quy định một cách mơ mơ màng màng được, vì nếu như vậy sẽ tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn. “Chúng ta còn rất nhiều vấn đề cần phải lắng nghe ý kiến nhân dân, nhiều vấn đề trong cuộc sống phải thể chế hóa bằng luật. Tuy nhiên cách lấy ý kiến như thế nào, mức độ ra sao là câu chuyện phải làm cho rõ”.
Ông Ksor Phước khẳng định và đề nghị cần nghiêm cấm không được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân những nội dung đã được quy định trong Hiến pháp, hay những vấn đề liên quan đến chính trị, quốc phòng an ninh. Việc này phải đảm bảo nguyên tắc nhân dân giám sát và tham gia đầy đủ.
Để luật này được chặt chẽ, cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ra 6 vấn đề cần phải được làm rõ, như: Khi nào thì trưng cầu ý dân? Điều kiện để trưng cầu ý dân thế nào? ...
Thứ 2, Luật phải khẳng định nội dung của trưng cầu ý dân là gì? Điều 6 dự thảo luật đang quy định rất chung chung. Chẳng hạn những vấn đề về lãnh thổ dứt khoát không thể đưa ra, hay nguyên tắc lãnh đạo của Đảng cũng không được trưng cầu ý dân. Trong luật phải loại bỏ những nội dung này.
Thứ nữa, ai là người đề nghị trưng cầu ý dân? Dứt khoát ý kiến đó phải là tập thể chứ không phải cá nhân nào. Và ai sẽ là người quyết định nội dung, thời điểm, thời gian trưng cầu? Mặc dù Quốc hội sẽ quyết định, nhưng quan trọng nhất là xử lý các vấn đề phải hết sức lưu ý. Phạm vi trưng cầu phải là những vấn đề đại sự mang tầm quốc gia, không thể ở tầm khu vực được. Ông dẫn dụ bài học ở Ukraine cho thấy, khi đưa vấn đề khu vực ra trưng cầu ý dân đã ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy việc xin ý kiến chia tách địa giới không được nằm trong quy định của luật này.
Cuối cùng, theo ông Hiển vấn đề xử lý sau khi trưng cầu ý dân cũng cần làm rõ. Ai sẽ công nhận việc ý kiến đó là hợp pháp, đầy đủ? Ông Hiển cho rằng, phải khẳng định trong luật này là Quốc hội công nhận.
Chủ tịch Quốc hội thì cho rằng, trưng cầu ý dân phải đúng là ý dân, còn việc có trưng cầu ý dân hay không sẽ do Quốc hội quyết định. Tuy nhiên trong Hiến pháp không đề cập đến việc trưng cầu ý dân, nên luật này sẽ quy định cái gì trưng cầu ý dân.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một số lĩnh vực chưa được quy định rõ, như nội dung xây dựng và bảo vệ tổ quốc rất mơ màng. Chẳng hạn như việc xin ý kiến “hòa hay chiến” như tại Hội nghị Diên Hồng có phải là vấn đề được đưa ra trưng cầu không? Hay vấn đề giảm bớt tội tử hình, gia nhập WTO, xây dựng điện hạt nhân ra sao…cần phải được đề cập rõ ràng cụ thể.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, dự thảo Luật này phải có sự góp ý của mặt trận và các tổ chức khác. Trên cơ sở đó đến phiên họp vào tháng 4 tới mới có thể xem xét, quyết định có trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 sắp tới hay không.