Những trăn trở của Trợ lý đội tuyển U23: Giá như....
Đã một tháng trôi qua kể từ ngày những chàng trai của đội tuyển U23 Việt Nam trở về từ bão tuyết Thường Châu nhưng những gì họ để lại trong lòng người dân Việt Nam vẫn còn in dấu rất sâu đậm.
Là một người đồng hành cùng đội tuyển trong suốt thời gian dài, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đã có nhiều bài viết "hé lộ" những câu chuyện vui buồn của các chàng trai U23 Việt Nam.Với anh Khoa, những gì mà U23 đã làm được chưa thể và chưa nên dừng lại ở đây.
Báo điện tử Infonet xin giới thiệu bài viết "Những trăn trở hậu U23" của anh Lê Huy Khoa.
1. 30 chưa phải là Tết. 30 giây thay đổi những số phận con người và đội chiến thắng lên đỉnh vinh quang, còn đội thua thì lại chờ trăm năm nữa. Giá như chúng ta tập trung hơn ở 30 giây cuối cùng cho trận đấu ấy thì sẽ ra sao nhỉ?
Cuộc sống là thế, cần phải hết sức tập trung thì mới không trả giá. Chúng ta mất cơ hội 1000 năm có một.
2. Giá như một vài câu lạc bộ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản mời Công Phượng, Quang Hải hay Văn Thanh, Xuân Trường sang thi đấu thì năng lực, uy tín và tiềm năng của cầu thủ Việt Nam sẽ bước sang một trang khác.
Công Phượng và Xuân Trường trưởng thành vượt bậc sau 2 năm thi đấu ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Không nhiều cầu thủ VN có cơ hội để trải nghiệm và học hỏi như thế. Họ sẽ là những cầu thủ đầu tàu, những nhà quản lý, HLV tương lai của bóng đá Việt Nam.
Giá như chúng ta biết làm thế nào để nhiều cầu thủ chúng ta có thể ra nước ngoài, dù là học tập hay thi đấu hơn nữa. Phải chăng chúng ta đã đánh mất cơ hội này?
3. Sau Olympic 88 và World Cup 2002, cả thế giới biết đến Hàn Quốc và kinh tế, hình ảnh đất nước Hàn Quốc được nâng lên một tầm mới. Người dân Hàn Quốc bây giờ ai quan tâm bóng đá cũng biết đến Trường của Việt Nam. Rất nhiều nước và người dân trên thế giới biêt đến Việt Nam qua U23. Giá như chúng ta có thêm nhiều kế hoạch để quảng bá hơn nữa cho đất nước. Ví dụ như U23 quảng bá cho Vịnh Hạ Long hay Phú Quốc, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thì hiệu quả quảng bá biết dường nào. Nếu dùng tiền bạc để quảng bá Việt Nam ra nước ngoài như U23 Việt Nam đã làm thì sẽ không bao giờ là đủ tiền cả. Chúng ta đã mất đi cơ hội này.
4. Chúng ta cứ thuê HLV ngoại, rồi vài bữa họ lại về nước, rồi lại tiếc nuối mà không biết là đội ngũ chuyên môn trong nước có học được gì hay không? Nếu các nhà chuyên môn trong nước đúc rút, tích lũy kinh nghiệm thành sách, thành tài liệu đào tạo, giáo dục tất cả các HLV nội thì trong tương lai chúng ta cũng đã có những HLV đầy kinh nghiệm và tri thức mới, biết đâu có thể ra nước ngoài dẫn dắt chứ không phải chỉ để dẫn dắt những đội trong nước đá với nhau mãi thế này.
5. Sau U23, nếu không có phân tích, không có tổng kết, không đánh giá vì sao, tại sao U23 thành công, tại sao thất bại, cần hạn chế và phát huy điều gì, bài học nào....thì những kinh nghiệm của U23 cho những lần tập huấn tiếp theo lại trở thành con số 0, lại đi học lại từ đầu và lại vẫn những bài học hoài không thuộc. Không ai ghi lại những gì U23 đã làm về mặt chuyên môn đã làm sẽ là thiếu sót. Cuộc sống cũng thế thôi.
6. 2 tháng quân trường của U23 là rất cực khổ và đầy trải nghiệm. Năng lực, chuyên môn cầu thủ đã được tăng lên rất nhiều, nhưng không biết là về trong nước, họ có được phát huy tiếp hay không? Hay lại về dự bị, rồi mỗi lần lên tập trung tuyển lại phải làm lại từ đầu. Nếu Bùi Tiến Dũng và Văn Đại mà mỗi năm đá có 10 trận thì còn gì là thành viên đội tuyển quốc gia? Lãng phí nguồn lực vô cùng lớn. Sao cầu thủ quốc gia cơ này không cho sang đội chuyên nghiệp đá, hoặc cho mượn đá để duy trì phong độ nhỉ?
7. Ngày về, Công Phượng cô độc vì chẳng ai nhắc đến cậu. Nếu không có cú nhấc chân của Phượng ở trận gặp Hàn Quốc, cũng không có pha làm bàn của Phượng ở trận gặp Qatar, cũng không có cú bị phạm lỗi của Phượng để Quang Hải ghi bàn thì có lẽ kết quả chúng ta đã khác. Và còn những con người khác. Giá như đánh giá của mọi người bình tâm hơn, đừng chỉ nhìn bề nổi và chính xác hơn thì có lẽ không chạnh lòng những đóng góp của những con người khác trong đội tuyển.
8. Về nước, điều tôi thích nhất chính là câu “Hãy lan tỏa hiệu ứng U23 trong mọi lĩnh vực” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi. Nhưng rất tiếc, hiệu ứng U23 có thể chỉ dừng ở bóng đá, và thế là hết.
U23 cũng là công sức, là tiền thuế, là tình yêu của người dân Việt Nam. Bóng đá mà không mang lại sự lan tỏa lớn lao hơn về tình yêu nước, về sự cố gắng, sự tự tin, niềm tự hào dân tộc, sự đoàn kết dân tộc để từ đó phát huy được tiềm năng của dân tộc Việt Nam thì cũng chỉ là gió thoảng mây trôi.
Chúng ta, cũng có người chỉ coi U23 như một giá trị giải trí thỏa mãn tinh thần, chứ ít người lấy U23 để làm tấm gương, phấn đấu và nỗ lực hơn để thành công.
9. Giá như những nhà tài trợ hứa đúng lời hứa để tưởng thưởng cho U23 thì sẽ hay hơn, hay rồi lại vài bữa “cứt trâu hóa bùn”. Chính tôi đã từng nghe khá nhiều công ty tuyên bố khá hùng hồn trước măt chúng tôi về giải thưởng, nhưng giờ vẫn im lặng và không biết tiếp theo sẽ như thế nào. Giá như chúng ta cho nhau những niềm tin trọn vẹn.
10. Và giá như... không phải bao giờ đi viết "giá như" thế này nữa. Cũng đừng có ai suy diễn và nói rằng "giá như... ai đó... đọc cái này", bài viết không có ý định nào cả, chỉ là tâm sự cá nhân.
Xin không dùng bài viết để dùng vào mục đích khác. Tôi không có ý trách ai đâu, không ai có lỗi mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm để làm tốt hơn, và có thể tất cả sự tiếc nuối này nên liên tưởng vào cuộc sống hằng ngày đầy trăn trở thôi.
Tôi yêu U23 và vẫn mơ về họ hằng ngày.