Những sự kiện quan trọng bậc nhất của đất nước năm 2013
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần trong niềm tiếc thương của cả dân tộc |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao, người "anh cả" của quân đội từ trần là một mất mát lớn lao của cả dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải nằm điều trị tại bệnh viện quân y từ năm 2009. Do tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời tại chính nơi điều trị vào lúc 18h09 phút, ngày 4/10 khi vừa bước sang tuổi 103.
Với những đóng góp lớn lao cho dân tộc, lễ tang Đại tướng đã được đặc cách thực hiện theo nghi thức Quốc tang. Trong gần một tuần, mỗi ngày có hàng vạn người dân từ khắp các tỉnh thành đến viếng Đại tướng tại căn nhà riêng ở số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Theo di nguyện của Đại tướng và gia đình, nơi an nghỉ của Đại đướng là chính quê hương Quảng Bình, tại Vũng Chùa – Đảo Yến, với 30 chiến sỹ thuộc Bộ đội biên phòng Quảng Bình được giao nhiệm vụ canh giữ giấc ngủ ngàn thu của Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, không chỉ hầu hết các tờ báo trong nước, mà nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đồng loại đưa tin về sự kiện này cũng những bài viết ca ngợi bản lĩnh, con người và tài năng quân sự của Đại tướng.
Thông qua Hiến pháp sửa đổi
Hiến pháp 1992 sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp, 2 lần trình Hội nghị Ban chấp hành trung ương khóa 11 và rất nhiều lần xin ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan, tổ chức. Cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11 năm nay, Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua vào ngày 28/11 với tỷ lệ 486/488 số ĐBQH tham dự đồng ý thông qua (bằng 97,99%), và chỉ có 2 ĐB không biểu quyết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó cho rằng, bản Hiến pháp là kết quả quá trình làm việc cần mẫn tâm huyết, tận tụy của Quốc hội và cử tri cả nước, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đã thể hiện tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Đảng, lòng dân.
Trải qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, hình thức dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu đã thay đổi đáng kể khi được sửa từ nói đầu, và 147 điều của Hiến pháp hiện hành chỉ giữ 7 điều, 140 điều viết lại thành 113 điều mới.
Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi |
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm
Một sự kiện khác rất có ý nghĩa trong năm qua là việc lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hình thức bỏ phiếu được thực hiện với 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Tại lần “đo” kết quả tín nhiệm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đạt số phiếu “tín nhiệm cao” cao nhất với 372 phiếu. Ngược lại người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, với 209 phiếu.
Đây là việc làm đầu tiên và cũng là cách thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Kinh nghiệm tuy chưa có nhiều, nhưng kết quả chung đã phản ánh được tình hình chung của đất nước. Từ kết quả trên, có thể thấy đối với những lĩnh vực nóng như Ngân hàng, Giáo dục, Y tế, Xây dựng... đòi hỏi trách nhiệm cao hơn nữa và cũng là “lời cảnh tỉnh” đối với các “tư lệnh ngành”, cần nỗ lực quyết tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội khi đó đã cho rằng: “Phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội là sự động viên, khích lệ, đồng thời cũng là sự đánh giá về những kết quả chúng ta đạt được, đất nước chúng ta đạt được trong thời gian qua. Những phiếu tín nhiệm thấp đòi hỏi một cách nghiêm túc đối với các vị được lấy phiếu tín nhiệm để chúng ta tiếp tục phấn đấu…”.
Điều động nhân sự Chính phủ
2013 cũng là một năm có nhiều sự thay đổi lớn về mặt nhân sự của Chính phủ, Quốc hội. Đáng chú ý tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã quyết định miễn nhiệm và phê chuẩn bổ nhiệm hai Phó Thủ tướng mới.
Ngày 13/11, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh. Cả hai ông được Quốc hội tán thành với tỷ lệ trên dưới 85%. Ngay sau khi công bố kết quả, Quốc hội mong muốn “các đồng chí tiếp tục phấn đấu để đáp ứng niềm tin của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước".
Sau khi ông Vũ Đức Đam lên làm Phó Thủ tướng, Quốc hội cũng bỏ phiếu phê chuẩn bầu ông Nguyễn Văn Nên giữ chức Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP.
Một sự luân chuyển thu hút sự chú khác trong năm qua là Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân được điều động sang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức, ông Nhân đã "thiết tha kêu gọi các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục hưởng ứng, tham gia các phong trào, cuộc vận động của MTTQ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu".
Thêm hai Ủy viên Bộ Chính trị
Tại Hội nghị Trung ương 7, Ban chấp hành Trung ương cũng đã bầu bổ sung Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào Bộ Chính trị khóa XI. Trước đó cả ông Nhân và bà Ngân đều là Ủy viên Trung ương Đảng. Với việc bổ sung thêm hai thành viên, Bộ Chính trị đã từ 14 người, lên 16 thành viên như hiện nay.
Cũng tại hội nghị này, Trung ương yêu cầu phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với những bước đi vững chắc để có thể thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng. Trước mắt, tập trung xây dựng và thực hiện thật tốt, có kết quả cụ thể các chương trình, kế hoạch sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong đợt sinh hoạt chính trị vừa qua.