Những người canh sóng Tết
Những người canh sóng Tết
Bố tôi cũng là dân kỹ thuật, cũng thường xuyên phải trực Tết. Hồi bố tôi công tác ở tận TP HCM, cứ mỗi bận Tết cận kề, cả nhà lại hồi hộp đợi tin ông có được về ăn Tết cùng gia đình hay không. Và khi ông thông báo năm nay phải trực Tết thì chả ai còn háo hức chờ đón Tết nữa. Mẹ tôi cũng bớt mua sắm. Đêm giao thừa buồn hơn vì thiếu người trụ cột. Tết chỉ thật sự đến với gia đình tôi khi sau 3 ngày trực Tết, bố tôi về đem theo chậu mai vàng rực rỡ từ phương Nam.
“Phút giao thừa lặng lẽ”
Có lẽ, phải dùng tên bài hát nổi tiếng này để diễn tả tâm trạng của những kỹ sư, kỹ thuật viên phải trực trong giờ phút giao thừa. Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, khi mọi gia đình đang quây quần bên nhau để cùng chào đón năm mới, họ lại một mình lặng lẽ đối diện với chiếc máy thu, đón giao thừa qua tiếng radio. Có lẽ cái tâm trạng buồn, nhớ nhà trong giờ phút này không dễ gì bị thời gian khỏa lấp. Cho nên, có người đã hơn 20 lần trực giao thừa, vẫn còn nguyên cái cảm giác đó.
Chị Vũ Tuyết Lan, kỹ sư Đài Truyền dẫn Tín hiệu (Trung tâm Kỹ thuật phát thanh) 18 năm đi làm cũng là 18 cái Tết đi trực. Năm phải trực đúng đêm giao thừa, năm trực ngày mùng 1. Nhớ lại lần trực Tết đầu tiên, chị Lan kể: Lúc đó mình thấy lo lắng, hồi hộp lắm, cả sợ nữa. Một mình trong phòng máy rộng thênh thang, nghe xung quanh râm ran tiếng pháo (hồi đó còn được đốt pháo), Đài vang lên bài hát đón giao thừa mà lòng rưng rưng. Nhớ nhà kinh khủng, nhưng hồi đó điện thoại không sẵn như bây giờ nên chỉ biết lặng lẽ gặm nhấm nỗi buồn. Sớm hôm sau ra về thấy mọi thứ trở nên mới mẻ, lạ lẫm, đường phố sau một đêm chuyển qua năm mới như khoác lên mình một hình hài khác. Đến bây giờ, đã gần chục lần trực đêm giao thừa rồi nên cũng đỡ buồn hơn, nhưng thú thật vẫn không thể tránh được cảm giác nhớ nhà. Chia tay gia đình vào chiều 30 Tết, khi mọi nhà chuẩn bị sum vầy bên mâm cơm tất niên sao khó khăn thế.
Cho Tiếng nói Việt Nam bay xa |
Còn anh Hoàng Khánh Long, kỹ sư Trung tâm Âm thanh, đã trải qua 22 cái Tết đi trực, cũng chỉ vài lần được đón giao thừa cùng gia đình. Anh tâm sự, ngay từ những ngày đầu công tác đã xác định công việc là quan trọng nhất nên khi phải trực Tết, trực giao thừa, cũng coi là việc bình thường, dù không tránh khỏi cảm giác hơi buồn. Cơ quan ngay Bà Triệu, cách vài trăm mét là tới Hồ Gươm, nhưng trong giờ giao thừa, khi pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, cũng không thể rời phòng trực mà ra xem được. Đành nghe pháo hoa một mình qua sóng Đài mà lòng thấy nao nao.
Gia đình ở Hà Nội nhưng công tác tận Đài PSPT Đồng Hới (Quảng Bình), lấy chồng rồi định cư luôn ở mảnh đất miền Trung gió Lào khắc nghiệt, chị Minh Thư cũng trải qua 15 năm trực Tết. Hai vợ chồng chị cùng làm ca nên phải nhờ cơ quan phân chia ca lệch nhau để lúc nào cũng có người ở nhà lo việc con cái. Vì thế, hầu như không lúc nào có đủ mặt cả hai vợ chồng ở nhà. Tết cũng vậy. Chị Thư bộc bạch, trực Tết là buồn, là cô đơn nhưng lại rất căng thẳng, sợ nhất xảy ra sự cố sóng. May mà trong suốt 15 năm trực Tết, chị chưa một lần phải đối diện với tình huống đáng ngại đó.
Gia đình là hậu phương vững chắc
Chuyện trò với các anh chị, ai cũng nhắc đến gia đình như là hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần giúp các anh chị vượt qua những lúc xao lòng. Nếu không có gia đình cảm thông, chia sẻ, các anh chị không thể yên tâm xa nhà làm nhiệm vụ vào những thời điểm đặc biệt như vậy.
Những người thầm lặng sau cánh sóng |
Chị Tuyết Lan xúc động nói, quả thật, mình đi làm ca đêm hôm thế này, nếu không có chồng con thông cảm, không có ông bà ngoại ở gần giúp đỡ, không biết có thể trụ vững suốt ngần ấy năm. Bao năm qua, con cái cũng quen dần với việc mẹ vắng nhà đêm 30, ngày mùng một, chúng chả dám kêu ca gì, nhưng mình biết chúng buồn lắm chứ. Đi làm Tết là phải nhờ chồng lo chuyện bếp núc, dù trước khi đi, đã chuẩn bị sẵn đâu vào đấy. May chồng mình khéo khoản này nên cũng yên tâm phần nào.
Còn chị Thư lại nhắc nhiều đến mẹ chồng. Chị bảo, nếu không có mẹ chồng cáng đáng việc nhà hộ, lo cho hai cháu có được giờ phút đón giao thừa đầm ấm, đầy đủ thì chị không thể toàn tâm cho ca trực. Mẹ chồng chị rất hiểu công việc của vợ chồng chị nên giành lấy phần lo cho hai cháu để anh chị khỏi lấn bấn, toàn tâm toàn ý cho công việc.
Ấm lòng vì được quan tâm
Đối với các anh chị phải trực Tết, việc được lãnh đạo Đài, đơn vị thăm hỏi, chúc Tết vào thời khắc giao thừa sắp đến là một sự động viên, khích lệ rất lớn, giúp các anh chị thấy ấm lòng. Anh Hoàng Khánh Long phấn khởi nhất khi được lãnh đạo Đài mừng tuổi và tự hào vì “bọn mình là người được lì xì đầu tiên đấy”. Chị Minh Thư cho biết, năm nào cơ quan chị cũng tổ chức họp mặt vui vẻ trước giờ giao thừa, rồi lãnh đạo tỉnh, hầu như năm nào cũng đến chúc Tết anh em. Những lúc như thế thấy lòng mình ấm lại, dường như nỗi nhớ nhà chợt tan biến.
Chị Tuyết Lan lại thầm cảm ơn lãnh đạo cơ quan rất tâm lý khi cho trang trí phòng máy có không khí Tết để các chị cảm thấy bớt cô đơn khi một mình đối diện với chiếc máy thu lạnh lẽo; khi sắp giao thừa lại được nhận quà của lãnh đạo… Chính những sự quan tâm chu đáo đó giúp các anh chị không ai còn cảm thấy sợ trực Tết.
(Theo TNVN)