Những ngôi đền, chùa độc đáo nổi tiếng bên bờ sông Hồng
Đền Ghềnh
Nằm ngay cạnh sông Hồng, Đền Ghềnh (quận Long Biên) nép mình dưới những tán cây cổ thụ. Đền Ghềnh gắn với số phận bi thương của công chúa Ngọc Hân, người được cả kinh thành Thăng Long gọi là “Chúa tiên” bởi dung nhan xinh đẹp, cầm kỳ thi họa đủ tài xuất chúng.
Đền Ghềnh thờ công chúa Ngọc Hân |
Năm 16 tuổi (1786), công chúa được gả cho thủ lĩnh Tây Sơn tức Quang Trung Nguyễn Huệ. Cuộc tình giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ chỉ kéo dài 6 năm, sự ra đi đột ngột của vị hoàng đế tài ba đã khiến người đẹp thành Thăng Long đổ máu khóc chồng mà viết nên tác phẩm “Ai tư vãn” bất hủ.
Ở tuổi 29, nàng lặng lẽ đi theo Quang Trung vào cõi vĩnh hằng. Bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, xót phận con gái Ngọc Hân đã tìm cách đưa được hài cốt Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn về an táng tại quê nhà (làng Nành, Gia Lâm).
Sau đó hài cốt mẹ con Ngọc Hân bị triều đình nhà Nguyễn đổ xuống sông Hồng thuộc địa phận làng Ái Mộ (Long Biên). Thương xót Bắc cung Hoàng hậu tài hoa bạc mệnh, nhân dân Ái Mộ lập miếu thờ bà chính nơi bờ sông vớt được hài cốt. Dòng sông bên lở, bên bồi không lâu sau đó ngôi miếu nhỏ cũng bị lũ cuốn trôi.
Cho đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản đã công đức để tôn tạo đền chùa ở Ái Mộ, Lâm Du, Phú Viên. Năm 1872, đền lại bị giặc Pháp đốt sạch trong cơn binh lửa đánh Thành Hà Nội, dốc lòng với việc tín nghĩa, bà lại đi quyên góp xây lại đền.
Hội đền Ghềnh năm nào cũng thu hút đông đảo du khách thập phương. Sáng mồng 6/8, vào chính hội, hội làng tươi vui trong đám rước kiệu bát cống của trai tân và kiệu võng của các cô gái đồng trinh.
Chùa Bồ Đề
Chùa Bồ Đề nằm ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, cách cầu Chương Dương khoảng 500m. Chùa nằm trên bến Bồ Đề, nơi Lê Lợi đóng quân đánh thành Đông Quan, đánh đuổi quân Minh xâm lược.
Chùa Bồ Đề |
Chùa xưa được kiến tạo vào cuối đời nhà Trần (khoảng 1427) trên gò đất cao nên gọi là Núi Trời, nhờ vậy có tên chữ là Thiên Sơn. Sau này do bị chiến tranh tàn phá, mãi cho đến năm 1614 mới được trùng tu tôn tạo lại trên nền chùa cũ.
Theo văn bia “Trùng cấu Thiên Sơn tự”: “Bồ Đề luôn luôn là nơi khách buôn tụ tập, xe ngựa dập dìu, quan khách thường lai vãng qua đây, phía Tây trông ra sông Nhị Hà, thuyền bè nhộn nhịp… đế kinh lai kiến hội ở chỗ này…”.
Sau này, Chùa Bồ đề nổi tiếng là địa chỉ nhận nuôi những mảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên năm 2014, chùa Bồ Đề dính dáng đến nghi án mua bán trẻ em làm rung động dư luận Việt Nam dù nơi đây từng nổi tiếng được gọi là nơi cứu rỗi trẻ bị bỏ rơi.Sau vụ tai tiếng đó, chùa Bồ Đề không còn nhộn nhịp như trước nữa.
Đình Chèm
Đình Chèm thuộc làng Chèm xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, là ngôi đình cổ nhất Việt Nam, có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Đình thờ đức Thánh làng Chèm, tức Lý Thân (còn gọi là Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm).
Theo thần phả, Lý Ông Trọng - Đức Thánh Chèm, sinh ở làng Chèm vào thời Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương. Ông là người có công đánh tan quân xâm lược nhà Tần dưới thời Thục An Dương Vương.
Đình Chèm có niên đại cách đây 2000 năm |
Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18).
Đền Hai Cô
Ngôi đền Hai Cô nằm ở vị trí độc đáo nằm giữa bán đảo sông Hồng, ba mặt là sông.Tại Hà Nội, dòng sông Nhị Hà chảy từ Tây bắc về đến đoạn Đền Hai Cô (xóm Soi thôn Bắc Cầu 1, Long Biên, Hà Nội) rẽ nhánh thành 2 sông là Sông Hồng và Sông Đuống, mở ra một dải đất nằm giữa hai sông là Quận Long Biên ngày nay. Lầu Hai Cô lập ngay ngã 3 sông với vai trò quan trọng là trấn an cho cả vùng đất.
Làng Soi nhìn từ xa, nơi có Đền Hai Cô nổi tiếng. |
Từ đền Hai Cô nhìn trực diện hướng tây bắc là Cầu Nhật Tân, cây cầu mệnh danh đẹp nhất Việt Nam, xung quanh 3 mặt đền là sông được kè bởi những tảng đá lớn. Vào thời khắc giao thừa 2015 ngồi trên những phiến đá nơi đây người dân được chứng kiến màn bắn pháo hoa đặc sắc diễn ra tại cầu Nhật Tân. Điều lý thú là bên trái Đền có một bãi tắm rộng, mùa hè rất đông người đến vừa tắm vừa ngắm cầu Long Biên. Bên phải có thể ngắm bến đò qua lại sang bên Xuân Canh, Đông Ngàn.