Đánh bóng lư đồng, làm đẹp bàn thờ gia tiên ngày Tết kiếm tiền triệu
Cận Tết, các gia đình có nhu cầu soạn sửa, làm đẹp bàn thờ gia tiên. Những ngày này, trên nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng như đường Nguyễn Văn Linh, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ… xuất hiện hàng loạt điểm nhận đánh bóng lư đồng.
Gần 20 năm làm nghề đánh bóng lư đồng, ông Nguyễn Xuân Thọ (60 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ, năm nào cũng vậy cứ khoảng vào giữa tháng Chạp là ông soạn đồ nghề đánh bóng lư đồng ra vỉa hè đầu đường Hoàng Diệu.
Thông thường mỗi ngày ông đánh bóng được khoảng 3-4 bộ lư đồng. Mỗi bộ có giá từ 150.000-300.000 đồng. Công việc thời vụ ngày Tết này đem lại thu nhập gấp cả chục lần so với nghề bơm vá xe hằng ngày của ông.
.
Ông Thọ cho biết, đồ nghề để đánh bóng khá đơn giản, gồm chiếc mô tơ đánh bóng, thuốc, bột tẩy, giẻ lau. Để đánh được một bộ lư đồng đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như chùi lư, chà thuốc, đánh bóng bằng máy và cuối cùng là đánh lại bằng bột tẩy. Thông thường, ông Thọ mất thời gian từ 1-2 tiếng mới hoàn thành xong một bộ lư. Đối với những bộ lư có hoạ tiết cầu kỳ, phức tạp thì thời gian đánh bóng lâu hơn.
Nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận.
Cũng theo ông Thọ, nghề đánh bóng lư đồng không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm, tỉ mỉ mà còn tiếp xúc với bụi đồng, bụi hoá chất nên không phải ai cũng làm được.
“Ngồi đánh bóng, hít bụi cả ngày nhiều khi tôi chẳng muốn ăn cơm nữa. Dù hơi vất vả nhưng kiếm được tiền triệu nên năm nào tôi cũng cố gắng tranh thủ làm đến tận ngày 29-30 Tết mới nghỉ, có khoản tiền rủng rỉnh còn sắm sửa, tiêu Tết”, ông Thọ phấn khởi nói.
Vốn là thợ điện nhưng ông Nguyễn Công Vinh (55 tuổi, quận Hải Châu) cho biết, thu nhập từ nghề đánh bóng lư đồng cao gấp 3-4 lần thu nhập ngày thường của ông. Cứ trước Tết khoảng 20 ngày, ông gác lại công việc để chuyển qua đánh bóng lư đồng.
Nghề này cao điểm nhất là từ 23 tháng Chạp trở đi. Mỗi ngày ông có thể đánh bóng được tối đa 5 bộ lư. Tiền công đánh bóng từ 200.000-300.000 đồng/bộ. Đối với bộ kích cỡ lớn, giá có thể lên tới 400.000 đồng.
“Tôi làm nghề đánh bóng lư đồng này cũng được 6 năm nay. Năm nào khách cũ họ cũng tìm tới, rồi người này giới thiệu người kia nên lượng khách ngày càng đông hơn. Không chỉ nhận đánh bóng cho các hộ gia đình, tôi còn đánh bóng lư đồng cho các đền, chùa”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, có uy tín, tay nghề. Bởi mỗi bộ lư đồng đối với mỗi gia đình như là báu vật gia truyền, rất được nâng niu, trân trọng, có giá trị tinh thần lớn.
“Khách hàng tin tưởng mới giao cho mình vì thế nghề này phải đặt cả cái tâm để làm. Phải làm cẩn thận, đảm bảo độ sáng bóng, không để lư đồng bị trầy xước, biến dạng, mất đồ”, ông Vinh cho hay.
Để tránh bụi đồng, hoá chất, ông Nguyễn Công Vinh đeo mặt nạ chống độc suốt quá trình đánh bóng
Trong các công đoạn thì khó nhất là khâu đánh bóng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, làm việc tập trung cao độ bởi chỉ cần sơ sểnh một chút có thể khiến lư đồng bị văng xa gây hư hỏng và khiến người thợ bị thương.
Ngoài ra, theo ông Vinh, bộ lư khi giao cho khách phải có độ bền, giữ được độ sáng bóng.
“Nhiều nơi làm không có tâm, vì muốn làm nhanh nên họ ngâm đồ đồng trong nước có axit, chỉ mất 30 phút là đánh bóng xong một bộ lư. Tuy nhiên, đồ đồng đã ngâm axit thì chỉ sau thời gian ngắn sẽ chuyển qua màu đỏ, rồi sang đen ngay, làm hỏng cả bộ lư. Tôi thì không cho phép mình làm như thế, chấp nhận mất công, mất thời gian nhưng đổi lại là uy tín, niềm tin của khách hàng”, ông Vinh chia sẻ.
Dưới bàn tay của người thợ, những bộ lư đồng phủ màu cũ kỹ bỗng sáng bóng, long lanh như mới.
Dẫu phải ngồi cả ngày miệt mài đánh bóng, chịu nóng bức trong bộ đồ kín mít, mặt nạ chống độc để tránh bụi đồng, hoá chất độc hại nhưng ông Vinh vẫn vui vẻ với công việc thời vụ chỉ xuất hiện một lần trong năm này. Bởi nhờ có nghề đánh bóng lư đồng mà ông và gia đình có một cái Tết đầy đủ hơn.
Diệu Thuỳ