Những “gam màu hồng” của kinh tế Việt Nam 2019
Tốc độ tăng CPI dưới 4% thay vì ước khoảng 4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP 34%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 8- 10%, cao hơn Quốc hội giao. Chính phủ cũng phấn đấu đưa nợ công so với GDP 61,3%. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 5%....
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, giá thịt lợn và tỷ giá đều được dự báo giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. Điều đó có nghĩa nhiều khả năng lạm phát trong năm 2019 sẽ thấp hơn lạm phát trong năm 2018. Về tổng thể, có thể thấy rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 gần như chắc chắn sẽ đạt được.
Nói về “gam màu hồng” của nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, trước hết đến từ sự lạc quan của người dân Việt Nam. Cụ thể, chỉ số tiêu dùng, bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng 8 - 9% mỗi năm trong các năm gần đây, riêng năm 2018 đạt 9%. Hoạt động du lịch năm 2017 đạt 13 triệu khách, năm 2018 là 15 triệu khách nước ngoài. Nhưng khách du lịch trong nước thực tế còn cao hơn rất nhiều, đạt từ 65 - 70 triệu người. “Trong suốt mười mấy năm qua, dù nền kinh tế có khó khăn, bất ổn, tăng trưởng và hồi phục, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam luôn đứng đầu khu vực” - TS. Võ Trí Thành nhận định.
Ảnh minh họa. |
“Gam màu hồng” thứ hai được vị chuyên gia này đề cập là các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA đang giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc theo đuổi mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển cũng được đánh giá sẽ đem lại nhiều chuyển biến tích cực.
Bối cảnh nền kinh tế thế giới đa sắc màu và đầy biến động không những tiềm ẩn nhiều rủi ro mà còn mở ra cho Việt Nam những cơ hội phát triển mới, cần phải được nắm bắt kịp thời. TS. Võ Trí Thành cũng nhận định mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đặt ra trong năm 2019 là từ 6,6 - 6,8% là “vừa phải, đủ cẩn trọng” trong bối cảnh hiện nay.
Còn PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) lại đánh giá, sự cam kết “bứt phá” của Chính phủ năm 2019 là một tín hiệu đáng mừng. Theo ông, để thực sự biến lời nói thành hành động, Chính phủ cần có những đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt có những bước tiến mới trong cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Việc chi thường xuyên của Chính phủ cũng cần phải bứt phá theo hướng tiết giảm chi tiêu mà vẫn tăng hiệu quả phục vụ. ..
Đó là những điều mà người dân trông đợi ở một Chính phủ hiệu quả và có mong muốn bứt phá trong thời gian tới.