Những điểm quan trọng trong Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của MTTQ Việt Nam được triển khai trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình hành động nhiệm kỳ 2014 - 2019 của Đại hội VIII MTTQ Việt Nam. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên bổ sung nhiệm vụ, giải pháp; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một cách thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tổ chức mình.
Chương trình hành động tập trung nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Cụ thể, MTTQ Việt Nam các cấp tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và cụ thể hoá bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước. MTTQ Việt Nam các cấp triển khai sâu rộng tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI của Đảng "Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới".
Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường công tác vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp tổ chức các hình thức tuyên truyền, cổ vũ, tôn vinh các gương điển hình, tiên tiến trong lao động, sáng tạo, những đóng góp quan trọng cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tăng cường tập hợp đoàn viên, hội viên nhằm đa dạng hoá các hình thức tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các giai cấp, tầng lớp, thành phần đa dạng trong xã hội...
Chương trình hành động tập trung vào việc phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của Nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu "Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đổi mới và nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” theo hướng bổ sung nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và đổi thành Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”...
Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền cùng cấp tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng các mô hình Nhân dân tự quản ở phường, xã, thị trấn, khu dân cư thực hiện các nhiệm vụ: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Nâng cao chất lượng dân số; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự trị an; Phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân; hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng...
MTTQ Việt Nam nâng cao hiệu quả việc phát huy dân chủ, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; Giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước vững mạnh. Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên nâng cao hiệu quả phối hợp với chính quyền cùng cấp thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật phát huy quyền làm chủ của nhân dân; Đồng thời đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; Phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức.
Nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam góp phần đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của MTTQ và các đoàn thể Nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về việc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ở Trung ương và các địa phương bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước và tình hình nhân dân để lựa chọn vấn đề giám sát, phản biện xã hội.
Trong năm 2016, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm và đánh giá sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công; Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triển khai giám sát việc chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản biện xã hội đối với các dự thảo: Luật Tôn giáo, tín ngưỡng, Luật Biểu tình... trước khi trình Quốc hội. Ở các địa phương tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động giám sát chuyên đề theo các chương trình phối hợp đã ký kết; Đồng thời tham gia giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xử lý và giám sát các cơ quan chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tích cực thực hiện Quy chế về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, thành viên trong Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp về thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Hai nhiệm vụ cuối cùng MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế; Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo hướng tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hoá.