Những chuyện bí ẩn ở “làng trăm giếng” giữa Thủ đô
Ở làng Yên Sở, giếng không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho bà con, mà còn là biểu tượng linh thiêng để người dân gửi gắm ước nguyên.
Những giếng cổ ở làng Yên Sở mang ý nghĩa linh thiêng, được người dân trân trọng và bảo vệ
Ở làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội), giếng không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho bà con, mà còn là biểu tượng linh thiêng để người dân gửi gắm ước nguyện. Ở ngôi làng này, những chiếc giếng cổ mang theo mình nhiều câu chuyện huyền bí.
Có nước máy vẫn dùng nước giếng
Chiều cuối tháng 6 nắng vẫn gắt, cụ Trần Hữu Liễu (89 tuổi, ở xóm Ngõ Giếng, làng Yên Sở lật nắp giếng bằng sắt, thả dây kéo lên những gàu nước đầy ắp, trong veo. “Nước giếng ở đây trong và mát, không bao giờ cạn, không chỉ dùng tắm giặt, chúng tôi vẫn dùng ăn uống”, cụ Liễu cho biết.
Bà Lê Thị Hoa, nhà ở xóm Ngõ Giếng cho biết thêm, dù có nước máy, dân làng Yên Sở vẫn thích dùng nước giếng. “Các cụ cao tuổi còn đòi pha trà, đun nước uống bằng nước giếng, vì bảo đã quen vị, pha trà cũng cho nước trà xanh và ngọt hơn. Giếng thì làng có sẵn”, bà Hoa vui vẻ cho hay.
Theo thống kê của người làng Yên Sở, hiện cả làng còn 73 giếng nước. Các giếng đều giống nhau, sâu từ 4 - 5m, đường kính khoảng 1,6m, thành giếng được xếp bằng những phiến đá to, không có chất kết dính nhưng rất vững chãi.
Thành giếng cổ ở làng Yên Sở được xếp bằng những phiến đá to, dù không có chất kết dính nhưng rất vững chãi
Người dân có thể vịn tay vào vách đá để leo xuống đáy giếng và leo lên một cách dễ dàng. Dưới đáy giếng được đệm một tấm gỗ lim dày khoảng 15cm. Chỉ cần nghiêng người vào miệng giếng, đã cảm nhận được luồng hơi mát bao phủ.
Gần 90 tuổi, cụ Liễu cũng không biết giếng cổ ở làng có từ bao giờ, nhưng từ khi cụ còn nhỏ, đã quen với việc làng có trăm cái giếng, hầu như nhà nào cũng có. Cuộc sống ngày càng phát triển, đất chật, người đông hơn, các nhà phải bán đất, chia đất cho con cái sinh sống làm ăn nên nhiều cái giếng phải lấp đi để lấy đất xây nhà, làm đường.
“Chỉ những nhà nào rất cần thiết mới phải lấp giếng. Còn lại, giếng vẫn gắn bó với người dân nơi đây”, cụ Liễu khẳng định.
Những câu chuyện bí ẩn
Đường vào xóm Ngõ Giếng, làng Yên Sở
Được giới thiệu là người am hiểu nhiều về lịch sử của làng, cụ Nguyễn Công Nhuận (81 tuổi) cho biết: “Trước đây, tên cũ của làng là Cổ Sở. Đến thời Hồng Đức thì chia ra hai làng Đắc Sở và Yên Sở. Tương truyền, 73 giếng cổ được xây từ thời ngoại xâm phương Bắc đến chiếm đóng nên ít nhất giếng ở đây cũng có 1.000 năm tuổi”.
Dẫn câu ca: “Thứ nhất Cổ Bi, Thứ nhì Cổ Loa, Thứ ba Cổ Sở”, cụ Nhuận cho hay, Cổ Sở là một trong ba mảnh đất thiêng của Việt Nam, là nơi sản sinh ra anh hùng hào kiệt, là nơi người dân ba lần đứng lên chống quân xâm lược phương Bắc.
“Có tích cho rằng, giếng cổ ở Yên Sở là do bọn xâm lược đào để trấn yểm long mạch, cũng có giả thuyết cho rằng giếng cổ được xây dựng để quân xâm lược phương Bắc lấy nước sạch ăn. Có cả tương truyền giếng được đào để người Trung Quốc giấu vàng”, cụ Nhuận cho hay.
Theo cụ Nhuận, việc quân xâm lược đào trăm cái giếng ở một làng để lấy nước dùng là không thuyết phục, bởi những cái giếng cổ này có kết cấu giống nhau và được làm rất công phu, cẩn thận.
Nếu chỉ phục vụ lấy nước, thì không cần làm cẩn thận và làm tới cả trăm cái giếng như thế. Còn giả thuyết người dân tự đào giếng để lấy nước ăn cũng không đúng vì ngày đó người dân rất ít, cả làng chỉ có vài chục hộ, khó có chuyện một hộ dân cần vài chiếc giếng.
“Giả thuyết giếng cổ giấu vàng, chôn nữ đồng trinh ở dưới không thấy có một căn cứ nào, nên chúng tôi vẫn cho rằng, những chiếc giếng này được làm nên để yểm long mạch”, cụ Nhuận cho hay.
Xung quanh những chiếc giếng cổ ở làng Yên Sở có rất nhiều câu chuyện ly kì, bí ẩn. Người dân làng cho biết, những hộ muốn xây nhà, làm đường vướng vào giếng cổ phải lấp đi, đều phải lễ bái rất cẩn thận nhưng vẫn hay gặp xui xẻo. Đã có hộ lấp giếng xong lại phải đào lên.
Cụ Liễu kể: “Vài năm trước, xóm Chủa, làng Yên Sở đã lấp một giếng cổ vì định mở rộng đường. Sau khi lấp giếng, trong xóm nhiều nhà xảy ra lục đục, đau ốm, làm ăn không thuận lợi. Có người đi xem bói, được “thầy” bảo giếng cổ có thần linh, thổ địa và có thể bị trấn yểm nên ai mà phạm vào sẽ chuốc lấy hậu họa. Sau đó, cả xóm phải thuê máy móc hút, múc đất lên trả lại nguyên trạng cái giếng cổ và từ đó, cả xóm lại được yên bình” .
Ông Nguyễn Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã Yên Sở cho biết: Giếng cổ không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho bà con, mà còn là di tích lịch sử, gắn liền với quần thể văn hóa của xã Yên Sở. “Có một số câu chuyện truyền miệng về sự linh thiêng, ly kỳ liên quan đến giếng cổ, nhưng có lẽ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Chính quyền xã vẫn luôn động viên bà con giữ gìn và bảo tồn giếng cổ như một nét văn hóa chứ không nên quá tin vào yếu tố tâm linh”, ông Khoa nói.
Hà Nội: Đường nát bét, ngập như ao làng giữa phố, Sở và quận bất lực không thể sửa
Nằm giữa 2 quận Cầu Giấy và Thanh Xuân (Hà Nội), ngay cổng sau trường chuyên Amsterdam và trường mầm non, đường Nguyễn Xuân Linh đã xuống cấp nhiều năm, gập ghềnh như ruộng cày, lầy lội, ngập nước bất kể nắng mưa nhưng không được sửa chữa
Theo báo Giao thông