Những cái "Nhất" của báo Xuân, báo Tết 2015
Bộ TT&TT vừa công bố báo cáo về tình hình xuất bản báo chí trong dịp Xuân và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Theo đó, nhìn chung các ấn phẩm báo chí Xuân và Tết năm nay được trình bày đẹp, phong cách hiện đại, màu sắc rực rỡ, in trên giấy đẹp.
Ấn phẩm của báo chí Trung ương có tổng số trang nhiều nhất là Báo Giao thông Vận tải (184 trang), Tạp chí Tiếp thị Gia đình (204 trang); ấn phẩm có tổng số trang ít nhất là: Báo Quân khu 3 (20 trang). Trong đó, ấn phẩm có số trang nội dung nhiều nhất là Báo Nông nghiệp Việt Nam (154 trang), Tạp chí Thời trang trẻ (160 trang).
Ấn phẩm của báo địa phương có tổng số trang nhiều nhất là Báo Sài Gòn giải phóng (141 trang), Tạp chí Tri thức và phát triển thuộc Hội liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội (248 trang); ấn phẩm có tổng số trang ít nhất là Báo Công an Nghệ An (28 trang)...
Báo chí Tết năm nay đã bám sát tôn chỉ, mục đích, bắt đầu có sự phân luồng nội dung khá rõ. |
Về quảng cáo trên báo Xuân, báo Tết, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế nên năm nay, số trang quảng cáo trên các ấn phẩm báo chí Xuân và Tết đã có sự sụt giảm rõ rệt.
Bên cạnh một số rất ít cơ quan báo chí khai thác được nhiều quảng cáo, như: Báo Giao thông vận tải (96 trang quảng cáo), Báo Sài Gòn giải phóng (75 trang quảng cáo), Báo Thừa Thiên - Huế (59 trang quảng cáo), thì trên ấn phẩm của các cơ quan báo chí khác, số trang quảng cáo bình quân chỉ dao động trong khoảng 12 đến 22 trang là phổ biến.
Một số ấn phẩm có số trang quảng cáo rất ít, như: Báo Văn nghệ TP.HCM (6 trang), Báo Quân Khu 2 (4 trang); một số ấn phẩm chỉ có 1 trang quảng cáo, như Báo Yên Bái Tết Dương lịch, Báo Cựu chiến binh Thủ đô, ấn phẩm Mực Tím của Báo Khăn Quàng Đỏ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật...
Thậm chí, một số ấn phẩm, như: Tạp chí Văn hiến, Báo Thiếu niên tiền phong, tạp chí Ngôn ngữ, Tạp chí Khoa học chính trị quân sự, Báo Quê hương, Báo Công lý, Tạp chí Kiến thức quốc phòng hiện đại, Tạp chí Giáo chức Việt Nam, Tạp chí Lịch sử quân sự, Báo Đường sắt Việt Nam, Báo Quân khu 3... không có quảng cáo.
Giá bán phổ biến các ấn phẩm báo Xuân và Tết Ất Mùi dao động trong khoảng từ 28.500 đến 50.000 đồng. Như vậy, về cơ bản, giá bán các ấn phẩm báo chí Xuân và Tết năm nay không có sự thay đổi nhiều so với năm Giáp Ngọ 2014.
Tuy nhiên, cá biệt vẫn có những ấn phẩm báo chí Tết được bán với giá tương đối cao, như Báo Tin tức (67.000 đồng), Báo Doanh nhân Sài Gòn (58.500 đồng), Báo Kinh tế và Đô thị (58.000 đồng), Tạp chí Thời trang Vàng (118.000 đồng)... Ngược lại, một số ấn phẩm có giá bán rất thấp, chủ yếu là các ấn phẩm thuộc khối báo chí địa phương, như: Báo Công an Nghệ An (7.800 đồng), Báo Thừa Thiên - Huế (6.500 đồng), Báo Quảng Ngãi (5.600 đồng)...
Chủ đề của báo chí Tết năm nay chủ yếu tập trung vào những nội dung như: sức Xuân, sự phát triển của ngành và đất nước. Ngoại trừ một số ấn phẩm lấy hình ảnh phụ nữ làm hình nền trên trang bìa 1, còn lại, hầu hết các báo tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã lấy hình ảnh của ngành để làm hình thức chủ đạo trên trang bìa của báo Xuân, báo Tết.
Những cụm chủ đề nổi bật gồm: Phản ánh không khí chào đón năm mới trong cả nước; Chủ đề về Đảng, mùa Xuân; Chủ đề về Biển Đông, góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; Chủ đề kinh tế - phát triển; Chủ đề chăm sóc Tết cho người nghèo và không khí đón Tết của Kiều bào Việt Nam; Chủ đề phong tục, tập quán đón Tết và những nét đặc trưng văn hóa vùng miền, những nét đẹp về thuần phong, mỹ tục, tín ngưỡng, trò chơi dân gian trên cả nước; Tình hình trật tự an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ; Các chương trình giải trí.