Những "áp lực vô hình" đè lên một vị ĐBQH
Đầu tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Nhân dịp năm mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra, phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, đoàn ĐBQH Thanh Hóa về những năm tháng gắn bó của ông với nghị trường và những vấn đề cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Do bài phỏng vấn quá dài nên chúng tôi tách ra làm 3 phần để bạn đọc dễ theo dõi.
- Thưa ĐBQH Lê Văn Cuông, dù ông không còn tham gia nghị trường nhưng nhiều người vẫn nhắc tới ông như là một trong những người hay chất vấn đến cùng với các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, thậm chí là Thủ tướng về các vấn đề cử tri quan tâm. Ông có thể chia sẻ về những điều ông thường hay chất vấn không?
Tôi là ĐBQH hai khóa XI, XII. Chuyện tôi hay phát biểu là do qua quá trình tiếp xúc cử tri thấy họ phản ánh và nêu lên với QH những vấn đề bức xúc, nỗi khổ trong cuộc sống.
Ví dụ như, người ta thấy một bộ phận cán bộ ngày càng xuống cấp về đạo đức. Những người tiêu biểu phải gìn giữ để đảm bảo uy tín cho Đảng, Nhà nước nhưng lại có những động thái xuống cấp đạo đức cho nên người dân rất bức xúc.
Thứ hai, vấn đề chạy chức chạy quyền ngày càng xảy ra phổ biến. Tôi đã từng phát biểu có những chức rất bé như trưởng thôn nhưng ở nhiều nơi cử tri cũng thấy có biểu hiện chạy chọt. Còn chức to lại càng chạy nhiều.
Đặc biệt là vấn đề tham nhũng tiêu cực xảy ra tràn lan, có luật rồi nhưng vẫn không ngăn chặn được. Các loại chạy khác như: chạy tuổi, huân huy chương, chạy án cũng có. Có thể nói những cái gì có lợi người ta đều chạy, kể cả vấn đề thương binh giả người ta cũng chạy.
Gần đây, có chế độ cho người tâm thần người ta cũng chạy vì lấy được trợ cấp… Những loại chạy này không những không ngăn cản được mà ngày càng phát triển.
Việc ngày càng phát triển là do những nhà lãnh đạo, đứng đầu cơ quan tổ chức “bật đèn xanh” để trục lợi. Thường cán bộ đứng đầu là Đảng viên nhưng người ta nói những người đó là những người không gương mẫu nên tiêu cực phát sinh…
Trong những ngày tôi làm ĐBQH, người dân người ta gửi gắm, yêu cầu mình phải có tiếng nói lên trên để Đảng, Nhà nước có biện pháp ngăn chặn, để đảm bảo công bằng xã hội. Chính vì thế, những vấn đề này đã được tôi nêu ra khi thảo luận tại các buổi truyền hình trực tiếp, nhưng thấy tình hình không có chuyển biến nên tôi đã phải chất vấn đến các Bộ trưởng rồi Phó Thủ tướng, thậm chí cả Thủ tướng về nhiều vấn đề.
ĐBQH khóa XI, XII Lê Văn Cuông |
- Vậy thường thì các phần trả lời chất vấn có khiến ông hài lòng?
Nhìn chung không hài lòng vì đa phần các câu trả lời là né tránh. Ví dụ như, tôi chất vấn về vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy việc với Bộ trưởng Nội vụ cả hai khóa XI, XII, đều chất vấn 3 lần nhưng Bộ trưởng không những trả lời không thẳng vấn đề mà còn chất vấn lại “Nếu đại biểu thấy chỗ nào có việc chạy chức chạy quyền nói với Bộ trưởng để biết và cùng địa phương xử lý việc đó”.
Tuy nhiên, đến lúc tôi đưa ra một số thông tin và một số trường hợp người dân tố cáo chạy chức, chạy quyền thì Bộ trưởng lại né tránh, không xuống để xem xét xử lý mà lại đề nghị địa phương báo cáo lên.
Thực ra, người dân không tin người ta mới lên trung ương nhưng trung ương lại làm cái bài chuyển xuống địa phương báo cáo lên để lấy kết quả gửi ĐBQH nên tôi cũng không hài lòng.
Hay một số trường hợp chất vấn Phó Thủ tướng về chất lượng giáo dục cho thành lập tràn lan các trường ĐH nhưng chất lượng không đảm bảo, sinh viên ra trường không xin được việc làm nhưng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục khi đó lấy số liệu sinh viên có việc làm báo cáo trước QH. Qua khảo sát đến 70-80% có việc làm, tôi thấy quân số báo cáo nó không sát với thực tế.
Hay vấn đề giáo dục mầm non, một ngành học rất quan trọng nhưng không được Bộ quan tâm để cho chị em không được biên chế nên thu nhập rất thấp và không có chế độ chính sách thỏa đáng cho nên chị em người ta "khóc", phản ánh với ĐBQH… Khi chất vấn thì Bộ trưởng cũng chỉ trả lời loanh quanh.
Hay tôi chất vấn Thủ tướng về việc Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng hoạt động không quyết liệt bằng thời gian đầu, hoạt động ở các tỉnh còn mờ nhạt có phải do trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch tỉnh vừa đá bóng vừa thổi còi hay không... Khi đó Thủ tướng cũng bực, nói: “Thế nào là đá bóng, thế nào là thổi còi?”.
Tuy nhiên, sau này, Ban Chấp hành Trung ương thay đổi không để Ban chỉ đạo Trung ương do Thủ tướng đứng đầu nữa mà chuyển sang cho Tổng Bí thư. Ở các tỉnh, các ban cũng giải thể và không để cho chủ tịch tỉnh đứng đầu nữa.
- Hay chất vấn thẳng thắn và truy đến cùng như thế, sau các buổi họp ông có chịu áp lực nào không?
Tôi bị áp lực nhiều chứ. Có thể nói trong những năm làm ĐBQH ngoài ý kiến được cử tri đồng tình, ghi nhận cho đến bây giờ về hưu nhưng người ta vẫn rất ca ngợi, là người mạnh dạn, nêu thẳng thắn vấn đề cử tri quan tâm.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận cán bộ, nhân dân người ta không đồng tình, người ta cho rằng trong thời buổi cơ chế xin cho như thế này, mình là đại biểu địa phương chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng gay gắt như thế, hay phát biểu đến vấn đề nóng như thế sẽ ảnh hưởng đến cơ chế "xin – cho" của tỉnh, làm cho Trung ương không thiện cảm với địa phương cho nên người ta không đồng tình.
Hay ý kiến tôi chất vấn Thủ tướng Chính phủ về việc "trên nói dưới không nghe", có chủ tịch tỉnh 5 lần Thủ tướng chỉ đạo nhưng vẫn không chấp hành mà không bị xử lý.
Ban đầu tôi không biết là ai nhưng sau đó được biết là Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, sau đó tôi bị Chủ tịch tỉnh này dọa sẽ đề nghị với Tỉnh ủy Thanh Hóa kỷ luật.
Tôi bị Bí thư, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Hoàng Minh Nhất có văn bản kiến nghị dài 4 trang gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, 63 đoàn ĐBQH chất vấn: Đại biểu lấy căn cứ ở đâu khẳng định việc Chủ tịch tỉnh Hà Giang 5 lần không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Thứ hai, nếu không có chứng cứ đại biểu có trách nhiệm gì với nhân dân tỉnh Hà Giang?.
Vì gửi rộng rãi như vậy nên tôi buộc lòng phải làm rõ phát ngôn của mình.
Có trường hợp, tôi phát biểu, chất vấn gay gắt Thủ tướng Chính phủ về oan sai của một phó hiệu trưởng Trường dự bị ĐH Sầm Sơn do quyết định trái pháp luật của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gây ra… nên đã bị Hiệu trưởng Trường dự bị ĐH Sầm Sơn gửi công văn kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH kỷ luật tôi về việc tại sao tôi nhận được đơn thư, được nhà trường yêu cầu xuống đó để kết thúc giải trình về đơn khiếu nại của phó hiệu trưởng mà không xuống nhưng lại chất vấn Thủ tướng về việc đó.
Việc này xảy ra khi tôi nhận được đơn khiếu nại của Phó hiệu trưởng bị Bộ trưởng ra quyết định miễn nhiệm không đúng quy định của pháp luật cho nên Bộ thông tin cho trường, trường làm công văn báo cáo lý do miễn nhiệm nhưng tôi không xuống, tôi làm đơn gửi Bộ, Bộ không giải quyết nên lại gửi cho Thủ tướng để thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ oan sai này. Tôi chất vấn Thủ tướng về sự chậm trễ nên các ông ấy cũng làm công văn đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét tư cách trách nhiệm của tôi về vấn đề nhà trường đề nghị xuống làm việc nhưng tôi không xuống mà cho văn phòng gửi công văn từ chối.
- Vậy còn những Bộ trưởng hay lãnh đạo cấp trên, ông có bị sức ép nào?
Cái đó không gặp. Chỉ có khi chất vấn các vị thì một bộ phận cán bộ nhất là ở tỉnh người ta thấy không có lợi cho người ta về công việc và lo ngại đại biểu Thanh Hóa chất vấn như thế thì người ta không giúp đỡ cơ chế "xin – cho".
Ngoài ra, có một số cá nhân người ta làm công văn đề nghị xem xét tư cách đại biểu QH của tôi.
Còn nữa...