Nhìn lại kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam
![]() |
Kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (Ảnh tư liệu) |
Những thuận lợi và khó khăn sau ngày giải phóng
Sau khi giải phóng miền Nam, cuộc tổng tuyển cử được diễn ra trong tình hình cả nước đã có hòa bình và không còn bóng một tên xâm lược. Nguyện vọng tha thiết trước sau như một của nhân dân ta là nước nhà độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với chiến thắng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nguyện vọng ấy đã thành hiện thực.
Nhân dân ta bước vào tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội chung của cả nước với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Kinh nghiệm bầu cử Quốc hội do nhân dân ta tích lũy trong mấy chục năm nay đã có tác dụng tốt đối với với cuộc tổng tuyển cử.
Tuy nhiên cuộc tổng tuyển cử cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ đã để lại cho nhân dân ta những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân.
Do thắng lợi nhanh chóng của quân và dân ta, ở miền Nam, ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ; một phần lớn bọn chúng đã và đang được cải tạo, nhưng tàn dư của bọn tay sai đế quốc vẫn lén lút hoạt động phá hoại dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức vũ trang.
Các giai cấp bóc lột ở miền Nam cơ bản chưa được cải tạo theo chủ nghĩa xã hội. Bọn đế quốc bên ngoài đang câu kết với bọn phản cách mạng trong nước, kể cả bọn phản động đội lốt tôn giáo, bọn trùm phong kiến trong một số vùng dân tộc thiểu số để chống lại cách mạng.
Tình hình ấy đòi hỏi chúng ta phải ra sức phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân, động viên tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội của quần chúng, bảo đảm cho cuộc bầu cử Quốc hội giành thắng lợi lớn.
![]() |
Ảnh tư liệu |
Kết quả đẹp đẽ của quá trình đấu tranh trong 45 năm
Sau khi miền Nam được giải phóng một trong những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân là hai miền Nam - Bắc là sớm được thống nhất. Xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân cả nước, đồng thời phù hợp với thực tế lịch sử của dân tộc, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 9/1975 đề ra nhiệm vụ thống nhất đất nước.
Hội nghị nhấn mạnh: “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Từ đó những công việc nhằm tiến tới chuẩn hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước được thúc đẩy nhanh chóng.
Trong hai ngày 5 và 6 /11/1975, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam , Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ cùng đại diện các nhân sĩ, trí thức yêu nước, dân chủ, đã mở Hội nghị liên tịch (mở rộng) tại Sài Gòn.
Hội nghị tiến hành thỏa thuận và đã đi đến nhất trí về sự cần thiết sớm hoàn thành thống nhất đất nước, trước hết về mặt nhà nước. Hội nghị cũng đã đề xuất những nguyên tắc và biện pháp tiến hành hiệp thương giữa hai miền Nam - Bắc và cử đoàn đại biểu miền Nam tham dự hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Bắc.
Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hai đoàn đại biểu đại diện cho hai miền tham dự hội nghị. Đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 đại biểu, do đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, đoàn miền Nam gồm 25 đại biểu do đồng chí Phạm Hùng- Bí thư Trung ương Cục Miền Nam làm trưởng đoàn
Hội nghị đã tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Thực hiện chủ trương của hội nghị, từ tháng 2/1976 công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiến tới tổng tuyển cử được triển khai.
Ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 (lần thứ nhất- 6/1/1946) được diễn ra trên phạm vi cả nước. Hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8%) đi bỏ phiếu, 492/605 ứng cử viên đã trúng cử, trong đó có 80 đại biểu là công nhân, 100 đại biểu là nông dân, 54 đại biểu là quân nhân cách mạng, 141 đại biểu là cán bộ chính trị, 98 đại biểu là trí thức và nhân sĩ dân chủ, 13 đại biểu tôn giáo và 6 đại biểu làm nghề thủ công
Tháng 6/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất với 492 đại biểu, được gọi là Quốc hội khóa VI với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa quốc hội trước, họp kỳ họp đầu tiên tại Hà Nội.
Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là kỳ họp hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đi lên sau các cuộc chiến tranh.
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử ngày 25 tháng 4 năm 1976 là thắng lợi của đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời là một kết quả đẹp đẽ của quá trình đấu tranh trong 45 năm qua của nhân dân Việt Nam vì độc lập và thống nhất dân tộc, vì dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội.
(Ghi theo dòng lịch sử)