Nhiều quy hoạch của Bộ TT&TT sẽ chuyển thành chiến lược, đề án
Cả ngành TT&TT sẽ chỉ còn 1 quy hoạch?
Sáng nay, 27/5/2015, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cùng với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông đã đồng chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Soạn thảo Luật Quy hoạch và đại diện các Cục, Vụ, đơn vị của Bộ TT&TT, để bàn về một số nội dung liên quan đến Bộ TT&TT được nêu trong dự thảo Luật Quy hoạch.
Theo đề xuất của Ban Soạn thảo Luật Quy hoạch, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, đối với Bộ TT&TT, sẽ chỉ lập riêng 1 bản quy hoạch hạ tầng TT&TT quốc gia (quy hoạch ngành quốc gia). Với cấp vùng và cấp tỉnh, những nội dung về hạ tầng TT&TT sẽ được tích hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Một số quy hoạch khác sẽ chuyển sang hình thức lập chiến lược, đề án, chương trình (nếu cần) để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của ngành.
Ngành TT&TT sẽ chỉ còn 1 quy hoạch là quy hoạch hạ tầng TT&TT quốc gia. (Ảnh minh họa) |
Đại diện Ban Soạn thảo lý giải: Việc lập riêng quy hoạch hạ tầng TT&TT quốc gia nhằm phát huy tính đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành, phục vụ cho việc quản lý, và là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện các dự án của toàn ngành.
Ở cấp vùng và cấp địa phương, nếu tích hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thì sẽ tạo sự thống nhất trong quản lý, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội về TT&TT.
Đối với các quy hoạch chuyển sang đề án, chương trình, kế hoạch phục vụ cho công tác quản lý, thì sẽ đảm bảo tính linh hoạt trong điều kiện phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và sự tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập quốc tế.
Cần xem xét tổng thể khi giảm bớt quy hoạch
Thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch trong bối cảnh đang có sự lạm dụng các quy hoạch, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đề xuất cần xem xét tổng thể hơn, ban hành thêm cả luật liên quan đến các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, hiện tại, các quy hoạch đều có tính quy phạm pháp luật, và các đối tượng liên quan đều phải tuân thủ. Nếu chuyển sang kế hoạch, chiến lược, chương trình thì sẽ khó đảm bảo được tính quy phạm pháp luật như quy hoạch.
"Nếu được thì mỗi lĩnh vực quản lý của ngành TT&TT nên có 1 quy hoạch phát triển ngành riêng vì có những đặc thù khác nhau. Nếu không được thì ít nhất cũng nên để 2 quy hoạch liên quan tới 2 mảng độc lập, một là mảng hoàn toàn kỹ thuật (như viễn thông), hai là mảng nội dung (như xuất bản, báo chí, phát thanh truyền hình – hoàn toàn sử dụng nguồn lực từ Nhà nước), vốn dĩ thiên về mảng xã hội nhiều hơn hạ tầng kỹ thuật, hoàn toàn sử dụng nguồn lực Nhà nước", Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói.
"Mặt khác, cũng cần tính toán kỹ cách thức triển khai tiếp tục đối với những quy hoạch đã ban hành bởi đây là công cụ quản lý, nếu ngừng triển khai thì dễ xảy ra những diễn biến phức tạp", Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chia sẻ thêm.
Tiếp thu những ý kiến góp ý từ phía các Cục, Vụ, cơ quan liên quan và lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết cuộc họp hôm nay rất hiệu quả, giúp Ban Soạn thảo nhận thức rõ hơn, hiểu hơn đặc thù ngành nghề hơn của ngành TT&TT. Rất mong Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tham gia sát hơn trong quá trình xây dựng, hoàn hiện dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Quy hoạch đã được nghiên cứu, xây dựng trong suốt 3 năm qua. Dự kiến tháng 6/2015 sẽ trình Chính phủ cho ý kiến. Đến tháng 10/2015 sẽ báo cáo lần đầu tại kỳ họp thứ 12 của Quốc hội. Dự kiến tháng 6/2016 mới được thông qua và có hiệu lực từ năm 2017.
Danh sách những quy hoạch của Bộ TT&TT sẽ bị chuyển thành đề án, chương trình
Theo đề xuất của Ban Soạn thảo Luật Quy hoạch:
Quy hoạch mạng lưới báo chí, quy hoạch phát triển sự nghiệp báo chí, quy hoạch mạng lưới báo chí ở nước ngoài sẽ triển khai thành các đề án, chương trình để quản lý (nếu cần).
Quy hoạch mạng lưới xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, quy hoạch phát triển hoạt động xuất bản, quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm, quy hoạch phát triển mạng cơ sở phát hành xuất bản phẩm, sẽ triển khai thành các đề án, chương trình để quản lý (nếu cần) hoặc ban hành quy chế quản lý đối với cơ sở phát hành xuất bản phầm.
Quy hoạch về thông tin đối ngoại, quy hoạch về hoạt động thông tin tuyên truyền, quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT, quy hoạch khu CNTT tập trung, quy hoạch về CNTT, điện tử, sẽ triển khai thành các đề án, chương trình để quản lý (nếu cần).
Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung thì sẽ lập đề án và duyệt nội dung phân khu chức năng trong khu CNTT tập trung (căn cứ thực tế tình hình đầu tư, chủ quản khu CNTT tập trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án cụ thể).
Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, quy hoạch công trình viễn thông sẽ là một trong những nội dung của quy hoạch hạ tầng TT&TT quốc gia. Với cấp vùng, sẽ tích hợp nội dung của các quy hoạch này với quy hoạch vùng, thể hiện những định hướng lớn của quy hoạch quốc gia, quy hoạch hạ tầng TT&TT quốc gia, giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh. Với cấp tỉnh thì tích hợp với quy hoạch tỉnh, thể hiện cụ thể những định hướng của quy hoạch hạ tầng TT&TT quốc gia và quy hoạch vùng, giải quyết các vấn đề mang tính liên huyện. Còn cấp huyện, xã thì tích hợp với quy hoạch huyện, xã (quy hoạch chung huyện, xã) và thực hiện theo tiêu chuẩn đô thị để giải quyết các vấn đề thông tin, truyền thông ở đô thị và nông thôn.
Quy hoạch về phát triển viễn thông và Internet, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch tài nguyên viễn thông, quy hoạch kho số quốc gia, quy hoạch quản lý kho số và tên miền, địa chỉ Internet, quy hoạch kho số viễn thông, tài nguyên Internet, sẽ triển khai thành các đề án, chương trình để quản lý (nếu cần), và lập chương trình, dự án cho tài nguyên viễn thông, quản lý kho số...
Quy hoạch phát triển mạng bưu chính công cộng quốc gia triển khai thành các đề án, chương trình để quản lý (nếu cần) hoặc xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác theo xu hướng phát triển của xã hội và quá trình hội nhập để lập dự án kêu gọi xã hội hóa.
Quy hoạch mạng bưu chính công cộng tại địa p hương được tích hợp vào quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch đô thị và nông thôn.
Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, quy hoạch băng tần, quy hoạch sử dụng kênh tần số, quy hoạch phân kênh tần số, quy hoạch truyền dẫn phát sóng, sẽ triển khai thành các đề án, chương trình để quản lý (nếu cần) hoặc xây dựng thành dự án kho dữ liệu số dùng chung.
Quy hoạch phát triển, ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thì lập thành quy chế ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch phát triển nhân lực CNTT và truyền thông thì tích hợp vào Đề án Việc làm theo Nghị định số 41/2012/NĐ-CP.