Nhiều cán bộ kiêm nhiệm làm thông tin đối ngoại chỉ là SV mới ra trường
Vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động TTĐN
Những kết quả và hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về TTĐN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa được Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phân tích rõ tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc do Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Trung ương tổ chức sáng nay, 10/11/2016, tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Trung ương và khoảng 130 đại biểu của 25 Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, thời gian qua, công tác TTĐN đã đạt kết quả quan trọng, góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, thành tựu đổi mới của đất nước, giới thiệu quảng bá hình ảnh quốc gia, đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, tăng cường sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài.
5 năm qua, Bộ TT&TT đã tích cực triển khai hoạt động quản lý nhà nước về TTĐN và đạt được một số kết quả bước đầu. Chẳng hạn, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp, tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt Nghị định 72 về quản lý hoạt động TTĐN (đến nay, đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực TTĐN). Và mới đây nhất, ngày 19/7/2016, Bộ TT&TT ban hành Thông tư 22 hướng dẫn quản lý hoạt động TTĐN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Về công tác chỉ đạo điều hành quản lý nhà nước về TTĐN, trong 5 năm qua, Bộ TT&TT đã hỗ trợ 56/63 tỉnh, thành phố mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về TTĐN cho gần 8.000 cán bộ chủ chốt, cán bộ làm công tác phát ngôn, phóng viên báo chí tại địa phương.
Đến nay, cả nước đã có 49/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế quản lý nhà nước về TTĐN; 59/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN; 100% các địa phương đã bố trí cán bộ phụ trách công tác TTĐN...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác quản lý nhà nước về TTĐN của các tỉnh, thành phố còn nhiều khó khăn hạn chế. Đáng chú ý như: Vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo quản lý chưa nhận thức rõ yêu cầu và đòi hỏi của công tác TTĐN trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ; thiếu kiến thức, kỹ năng về công tác TTĐN; Hiện còn 7/63 tỉnh, thành chưa tổ chức lớp tập huấn công tác TTĐN cho các cán bộ chủ chốt, ngay cả các tỉnh đã tổ chức tập huấn thì nội dung tập huấn về cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của công tác TTĐN; Thiếu cơ chế tài chính cho công tác TTĐN...
Một số nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn nêu trên cũng đã được Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chỉ rõ: "Vai trò chủ trì của Sở TT&TT chưa được coi trọng, nhất là trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh xây dựng các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành hoạt động TTĐN trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm làm TTĐN chủ yếu là sinh viên mới ra trường, chưa được đào tạo bài bản về TTĐN, kinh nghiệm quản lý nhà nước, và thiếu sự nhạy cảm chính trị. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác TTĐN của một số tỉnh, thành phố không hiệu quả, khó khăn, lúng túng".
Hội nghị thu hút sự quan tâm tham dự của hàng trăm đại biểukhoảng 130 đại biểu đến từ 25 Ban Chỉ đạo TTĐN các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. |
11 nhiệm vụ TTĐN trọng tâm năm 2017
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đã yêu cầu các địa phương tập trung vào 11 nhiệm vụ trọng tâm khi xây dựng kế hoạch TTĐN năm 2017.
Một là, sớm ban hành quy chế quản lý nhà nước về hoạt động TTĐN (hiện còn 19 tỉnh, thành phố chưa thực hiện được việc này).
Hai là, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thành lập Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN cần khẩn trương thành lập, nên thành lập cả tổ giúp việc. Đối với các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thì khẩn trương thành lập tổ giúp việc và xây dựng kế hoạch kinh phí để triển khai hoạt động TTĐN.
Ba là, bố trí, phân công cán bộ phụ trách công tác TTĐN tới địa bàn quận, huyện, thị xã.
Bốn là, tập huấn nâng cao nhận thức, bồi dưỡng nghiệp vụ về TTĐN cho cán bộ, các đối tượng tham gia hoạt động TTĐN.
Năm là, tổ chức theo dõi và tổng hợp dư luận báo chí trong và ngoài nước về tình hình tỉnh, thành phố, chủ động cung cấp thông tin, tập trung lập luận, đấu tranh phản bác thông tin, tài liệu báo cáo sai lệch làm ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của địa phương, kịp thời thông báo với Ban Chỉ đạo Công tác TTNĐ Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT để phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý.
Sáu là, chủ động cung cấp thông tin, giới thiệu hình ảnh của tỉnh, thành phố trên các lĩnh vực, cụ thể như xuất bản ấn phẩm thường niên về tỉnh, thành phố, xây dựng các dự án, đề án quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương;
Bảy là, với công tác tuyên truyền biển, đảo, phân giới cắm mốc, cần tập trung các nhiệm vụ như: Tập huấn nâng cao nhận thức, tuyên truyền phổ biến các nội dung cơ bản của phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ Phillippines kiện Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông; Chủ động tổ chức trưng bày tư liệu bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, Hoàng Sa, Trường Sa (Bộ TT&TT sẽ cung cấp tư liệu, phần mềm); Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trong chương trình phối hợp giữa Sở TT&TT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng trong công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại tai khu vực biên giới giai đoạn 2011 – 2020...
Tám là, chủ động biên soạn, cung cấp nội dung cho các cụm TTĐN tại khu vực cửa khẩu quốc tế trong khuôn khổ đề án tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015. Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế cả đường không, đường bộ, đường biển và đường sắt, thì chủ động bố trí kinh phí xây dựng các cụm TTĐN.
Chín là, xuất bản các ấn phẩm phục vụ công tác TTĐN, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh văn hóa, lịch sử của địa phương.
Mười là, xây dựng cơ chế định kỳ giao ban báo chí về TTĐN và cung cấp thông tin về nhân quyền (Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ).
Mười một là, đề xuất các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác TTNĐ để kịp thời khen thưởng.