Nhiều bất cập quản lý đất đai tại đô thị được “chỉ mặt, đặt tên”
Nhiều dự án đô thị mới điều chỉnh quy hoạch tùy tiện |
Dự án đô thị mới điều chỉnh quy hoạch tùy tiện
Hôm nay, 27/5, Quốc hội dành cả ngày nghe báo cáo giám sát và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Báo cáo của Chính phủ về nội dung này cho thấy, hiện nay việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn có mức tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh, như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Báo cáo cũng đánh giá, công tác quản lý đầu tư, phát triển đô thị mới, khu đô thị mới ngày càng được tăng cường hơn, bước đầu có sự thống nhất, đồng bộ theo quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị. Nhiều khu đô thị mới, nhiều dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, công cộng được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng khang trang, hiện đại hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân và yêu cầu phát triển đô thị.
Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận công tác này còn một số hạn chế, bất cập, như: quy định pháp luật chưa bao hàm hết những đặc thù của dự án phát triển đô thị (như: quy mô chiếm đất lớn, thời gian xây dựng dài, sử dụng đa nguồn vốn…), một số quy định về chỉnh trang, cải tạo đô thị, đô thị xanh, thông minh… còn thiếu và chưa cụ thể; các địa phương chậm lập chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị; một số dự án đô thị mới chưa tuân thủ quy hoạch, điều chỉnh tùy tiện, đầu tư nhà ở thương mại không đồng bộ với đầu tư hạ tầng khu đô thị và giao thông kết nối với khu vực lân cận.
Đặc biệt về cải tạo chung cư cũ theo quy hoạch đô thị: kết quả triển khai thực hiện của các địa phương còn rất hạn chế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Chuyển nhượng một số cơ sở nhà, đất ở vị trí đắc địa không qua đấu giá
Về công tác thanh kiểm tra, báo cáo cũng nêu rõ, riêng trong năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành 93 đoàn thanh tra; kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền là 944, 4 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, ngành Thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.
Riêng Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 21 cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị, trong đó: đã ban hành 14 kết luận thanh tra; 7 cuộc thanh tra đang xây dựng báo cáo và hoàn thiện kết luận.
Qua 14 kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm với số tiền gần 3.685 tỷ đồng, 19.297 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 3.151 tỷ đồng, 13.231 ha đất, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 534 tỷ đồng, 6.067 ha đất; kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân có liên quan, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách liên quan còn bất cập, chưa phù hợp.
Qua công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã xác định được một số tồn tại, hạn chế như:
Chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo chưa cao, nhiều chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt và thực tế thực hiện có sự khác biệt lớn. Còn bị động trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất.
UBND tỉnh chưa sâu sát, còn bị động, thiếu nhất quán trong chỉ đạo điều hành các sở ngành liên quan để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của các nhà đầu tư. Còn tình trạng không khách quan, không chính xác trong việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất của một số doanh nghiệp được giao đất ở không thông qua đấu giá đất; xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất sang mục đích khác chưa phù hợp thị trường.
Việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; nhận chuyển nhượng một số cơ sở nhà, đất ở vị trí đắc địa không thông qua đấu giá. Có nơi có tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các cơ sở nhà đất nhưng chưa phù hợp các quy định của Luật đất đai và Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất làm thất thu ngân sách nhà nước.
Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất ở, có thời hạn sử dụng lâu dài đối với các cơ sở nhà đất trước đây được sử dụng với mục đích là trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh, đất công trình công cộng, dịch vụ thương mại khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng…