Nhà máy SamSung cam kết tiêu chuẩn an toàn cho công nhân
Về tin đồn công nhân bị ảnh hưởng sóng điện từ:
Nhà máy SamSung cam kết tiêu chuẩn an toàn cho công nhân
Ngay khi 2 bài báo về “tin đồn teo buồng trứng” được đăng tải, PV báo điện tử Infonet đã có buổi làm việc trực tiếp với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam tại nhà máy trong KCN Yên Phong, Bắc Ninh.
> Công nhân Samsung mù mờ về tin đồn vô căn cứ
> Làm việc cho Sam Sung bị teo buồng trứng... là tin đồn thất thiệt!
Samsung làm gì trước tin đồn
Qua cuộc trao đổi với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung KCN Yên Phong Bắc Ninh, được biết tin đồn vô sinh vì làm việc cho Samsung đã xuất hiện cách đây khoảng 5-6 tháng. Tin đồn này đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý hàng ngàn công nhân của nhà máy. Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết: “Thông thường tỉ lệ xin nghỉ việc của Công ty là 3%, vào thời điểm ôn thi đại học tỉ lệ xin nghỉ việc là 7% nhưng riêng tháng 2 vừa rồi tỉ lệ xin nghỉ việc tăng lên là 12%, do lý do xin nghỉ việc không được công nhân ghi đúng thực tế nên chúng tôi không dám chắc là có phải do ảnh hưởng của tin đồn không”.
Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đang làm việc với phóng viên Infonet |
Nhận thấy rõ những tác hại của tin đồn khiến tâm lý công nhân không tốt kéo theo năng suất lao động bị ảnh hưởng và tình hình nhân sự sẽ có nhiều xáo trộn, Ban Lãnh đạo nhà máy đã mời Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Lao động- Môi trường và Giám định Y khoa (Sở Y tế Bắc Ninh) kết hợp với Viện Y học Lao động & Vệ sinh Môi trường Trung ương tiến hành kiểm tra bức xạ và bức xạ i-on (phóng xạ) về hệ thống cửa từ. Trong Công văn số 02/CV-2012 ngày 10/01/ 2012 của TT Bảo vệ Sức khỏe Lao Động- Môi trường và Giám định (Sở Y tế Bắc Ninh) kết luận: “ Kết quả đo kiểm cho thấy tại các cửa từ của cổng chính và của xưởng, thiết bị dò kim loại bằng tay, điện từ trường và phóng xạ các điểm đo đều nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn TCVN 3718- 2005 và TCVN 6561- 1999, không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản nói riêng của Công Nhân viên Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam”. Kèm theo là bản kết quả của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cũng ghi rõ trong phần nhận xét “So với tiêu chuẩn (TCVN 6561-1999), tại tất cả các vị trí đo đều ở mức giới hạn cho phép”.
Ngoài ra, Samsung cũng tiến hành những khóa đào tạo, in các tài liệu phát đến từng công nhân để công nhân hiểu thông tin trong các tin đồn về ảnh hưởng sóng điện từ tới sức khỏe của công nhân là không có thật. Công ty cũng dẫn chứng rất nhiều trường hợp đang có thai đã từng làm việc ở đây từ 1 năm trở lên. Chẳng hạn như chị Trương Thị Cải có thai hơn 7 tháng làm việc 2 năm 10 tháng, chị Nguyễn Thị Hà có thai trên 7 tháng, thời gian làm việc 2 năm 4 tháng… Tuy nhiên, phải chăng những biện pháp “dập tin đồn” Samsung Việt Nam chưa phát huy hiệu quả khi tỉ lệ xin nghỉ việc lại tăng lên ở tháng 2.
Nói về vấn đề môi trường làm việc của nhà máy, ông Shim Won Hwan khẳng định: “ Công ty Sam Sung luôn quan tâm đến vấn đề môi trường và sức khỏe cho công nhân. Các tiêu chuẩn tại nhà máy của Sam sung được duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt. Có một số tiêu chuẩn về môi trường tại SEV nghiêm ngặt hơn gấp 2 lần tiêu chuẩn của Việt Nam”
Giải thích về tin đồn Samsung từng "chi 100 triệu cho công nhân bị ảnh hưởng sức khỏe...", phía đại diện Samsung đã đưa ra giấy tờ liên quan đến một trường hợp công nhân của nhà máy tên là Vương Thị T. quê ở Sóc Sơn, Hà Nội tử vong do tai nạn giao thông khi đi làm về. Công nhân này được Samsung hỗ trợ 117 triệu đồng. Phía Samsung cũng đặt câu hỏi nghi vấn: Phải chăng việc hỗ trợ này đã bị biến tướng thành tin đồn bồi thường cho người bị teo buồng trứng khi làm việc tại nhà máy?
Thấy gì ở nhà máy của Samsung
Tại Samsung Electronics Việt Nam, đã có khu phân xưởng dành riêng cho nữ công nhân mang thai. Có đến 150 công nhân nữ đang mang thai được ưu tiên đưa vào khu vực này làm việc. Lãnh đạo công ty cho biết khi chị em nào phát hiện có thai đều sẽ được ưu tiên làm việc tại khu vực này. Trao đổi với chúng tôi, em Nguyễn Thị Tuyết vào làm việc tại Sam Sung 2 năm hiện đang có bầu 6 tháng cho biết: “Chúng em làm đến 5 giờ được nghỉ. Công việc cũng nhẹ nhàng thoải mái”. Theo khảo sát của chúng tôi có nhiều chị em đã làm việc ở đây từ 1 đến 2 năm và đang mang bầu từ 2 đến 6 tháng.
Test tính năng hoạt động của điện thoại bằng tay |
Test máy tính bảng trên hộp chuyên dụng |
Theo Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, tính tới thời điểm hiện nay, nhà máy Samsung tại Yên Phong, Bắc Ninh có hơn 18 nghìn công nhân thì có tới 14.718 công nhân là nữ. Trong số đó có 1.703 công nhân đã có gia đình và có 485 trường hợp đang mang thai, có 201 trường hợp đang nghỉ chế độ thai sản và rất nhiều chị em khác đang nuôi con nhỏ…
Thiết bị test điện thoại nắp gập |
Nơi khiến PV nóng lòng muốn đến nhất là khu test điện thoại. Test điện thoại có khá nhiều công đoạn, có công đoạn được thực hiện bằng máy móc như test độ bền nắp trượt, độ bền nắp gập hay test độ chịu nhiệt… Nhưng test tính năng là công đoạn phải dùng hoàn toàn con người. Có khoảng 10 công nhân đang cặm cụi kiểm tra từng tính năng của điện thoại. Mỗi người sẽ bật cùng lúc 4 - 5 chiếc điện thoại trong tình trạng có cắm sim.
Các công nhân đang trong thời kỳ mang thai được bố trí làm việc tại khu vực riêng trong nhà máy |
Công nhân đang mang thai thực hiện công đoạn test điện thoại |
Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Một số nghiên cứu gần đây cho thấy sóng điện thoại có thể ảnh hưởng đến con người. Khu vực test tính năng điện thoại, công nhân bật nhiều điện thoại cùng một lúc. Quan điểm của ông thế nào?” Ông Shim cho biết: “Hiện nay những công trình nghiên cứu đó vẫn còn đang tranh cãi chưa đến hồi kết nhất định để đưa ra kết luận chính thức. Tất nhiên, ở đây không có một thiết bị nào để có thể đánh giá xem sóng điện từ ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân nhưng đối với những sản phẩm có sóng điện từ lớn như máy tính bảng chẳng hạn, chúng tôi đã test bằng hộp chuyên dụng riêng với quan điểm phòng hơn chống”. (Dẫn theo lời dịch).
Trao đổi với chúng tôi, em Nguyễn Thị Phương đang có thai 6 tháng và đang làm việc test điện thoại cho biết: “Em thấy làm việc ở đây sức khỏe bình thường và khám định kì, thai nhi phát triển tốt, không có dấu hiệu bất thường”.
Như vậy, khác với tin đồn mà nhà máy nhận được về tác dụng của cửa từ với sức khỏe công nhân, hiện đang tồn tại một tin đồn hoàn toàn khác về việc test điện thoại ảnh hưởng đến sinh sản. Khi trực tiếp tìm hiểu từ phía công nhân thì chưa phát hiện trường hợp cụ thể nào có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, nên chăng nhà máy cần kiểm tra phần sóng điện từ trong khu vực test điện thoại để giải thích rõ hơn cho công nhân hiểu và cần tham khảo một số công trình nghiên cứu về sóng điện từ để có biện pháp phòng ngừa bảo vệ công nhân trước khi có những kết luận chính thức về ảnh hưởng của sóng điện từ điện thoại đối với con người.
VĂN CƯỜNG
(bài và ảnh)