Nhà hát 1.500 tỷ đồng: "Lùi lại 5-7 năm nữa sẽ đẹp lòng dân hơn"
Dự án nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch dự kiến xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 mới được HĐND TP.HCM thông qua có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm khán phòng lớn và khán phòng nhỏ. Đây là nhà hát được giới thiệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2022.
Sau khi dự án nhà hát này được thông qua đã có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Để có thêm một góc nhìn khác về dự án nhà hát nói trên, Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM.
TS Võ Kim Cương đã có những chia sẻ về dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc -Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
PV: Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm về dự án nhà hát 1.500 tỷ đồng mà HĐND TP.HCM vừa thông qua. Quan điểm cá nhân của ông về chủ trương dự án này như thế nào?
TS Võ Kim Cương: Ngay trước khi kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra, tôi đã có nêu ý kiến về chủ trương chung của dự án này. Thành phố lớn như thế này thì rất cần có một nhà hát quy mô như vậy. Đây là công trình phục vụ âm nhạc, nghệ thuật cao cấp xứng tầm với định hướng phát triển của TP.HCM. Về chủ trương, tôi rất nhất trí.
Tuy nhiên, nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch phục vụ cho đối tượng là giới thượng lưu, người có thu nhập cao. Để nhà hát có khách thì phải có quá trình nâng cao trình độ nghệ thuật của dân chúng. Bởi loại hình nhà hát này cao cấp hơn những nhà hát thông thường.
Theo ông, đây có phải là thời điểm hợp lý để đầu tư công trình nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch chưa?
TS Võ Kim Cương: Tôi cho rằng xây nhà hát bây giờ là quá sớm, trong khi nhiều công trình trọng điểm của Thành phố vẫn chưa có kết quả rõ ràng như dự án chống ngập hay chống ùn tắc giao thông.
Ngân sách của Thành phố cần ưu tiên để giải quyết các công trình này để nâng cao đời sống cho người dân, thu hút nhà đầu tư cũng như thúc đẩy Thành phố phát triển tốt hơn.
Hiện trên địa bàn Thành phố có những cơ sở để thoả mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc cao cấp như Nhà hát Thành phố hay một số nhà hát khác.
Xây nhà hát ở thời điểm này không phải là việc khẩn cấp. Nếu để 5 – 7 năm nữa, khi Thành phố giải quyết cơ bản ổn các vấn đề về hạ tầng giao thông thì sẽ đẹp lòng dân hơn.
Khu vực dự kiến xây dựng nhà hát là tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nơi người dân vẫn đang khiếu kiện về đất đai. Theo ông vị trí xây dựng này có hợp lý?
TS Võ Kim Cương: Về vị trí xây dựng dự án nhà hát, theo tôi là hợp lý. Bởi phần diện tích đất này hiện đã được giải toả. Còn những vụ khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm cũng đang được Thành phố tiến hành giải quyết. Tôi tin chính quyền Thành phố sẽ giải quyết dứt điểm cho người dân để tìm sự đồng thuận.
Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch trong tương lai chỉ có sức chứa 1.700 chỗ ngồi. Theo ông quy mô này có xứng tầm với định hướng phát triển của TP.HCM?
TS Võ Kim Cương: Trước khi có chủ trương xây dựng dự án này, theo tôi Thành phố phải có nghiên cứu nhu cầu thật sự của người dân là gì? Xây cho ai? 1.700 chỗ không phải lớn nhưng nếu xây xong không có khách thì lấy tiền đâu để bù lỗ.
Tâm lý và xu hướng thưởng thức âm nhạc của người dân Việt Nam khác với các nước. Người dân chưa có nhu cầu thực tế, phải cẩn thận chứ không khéo anh xây xong lại không có người xem.
Nếu muốn xây dựng một trung tâm đào tạo, biểu diễn âm nhạc tầm cỡ thì 1.700 chỗ sẽ là nhỏ. Thành phố cần phải có chiến lược rõ ràng, phải có quỹ đất dự trữ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Nhiều người dân cho rằng số tiền 1.500 tỷ đồng đó nếu đầu tư vào các công trình xã hội như trường học, bệnh viện sẽ thiết thực hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Võ Kim Cương: Quan điểm này không có gì sai, bởi thực tế hiện nay nhiều bệnh viện ở TP.HCM đang quá tải. Tuy nhiên nguyên nhân quá tải không phải thiếu bệnh viện mà nhiều bệnh viện chưa khai thác hết. Nếu ưu tiên thì theo tôi nên ưu tiên đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông, bởi đây là lĩnh vực rất khó huy động xã hội hoá.
Các công trình ở ngoại thành TP.HCM rất khó thực hiện theo hình thức đầu tư BOT, khu vực nội thành thì hầu như không thể đầu tư BOT mà chủ yếu là BT, thậm chí là phải dùng ngân sách Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!